spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động...

Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động thái từ OPEC+

8 thành viên OPEC+ sẽ tăng sản lượng từ tháng 4/2025 – tháng 9/2026, điều này phát ra tín hiệu đây là đợt gia hạn cắt giảm sản lượng cuối cùng của tổ chức này.

Kết phiên 6/12, VN-Index tiếp tục đà hồi phục với hơn 2,6 điểm tăng (+0,2%) lên mốc 1.270,1. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng mạnh như CSV (+6,98%), BSR (+6,6%), DGC (+4,7%), DPM (+0,5%), DCM (+0,4%), DDV (+4%).

Cổ phiếu nhóm dầu khí, hóa chất khởi sắc trong bối cảnh ngày 5/12 vừa qua, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã thống nhất hoãn kế hoạch tăng trưởng sản lượng từ tháng 1/2025 đến hết quý I/2025 và gia hạn các gói cắt giảm trong hội nghị bộ trưởng OPEC+ lần thứ 38 vào ngày 5/12/2024.

Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động thái từ OPEC+
Cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất đồng loạt tăng trong phiên 6/12

Theo chứng khoán FPT (FPTS), việc gia hạn tăng trưởng sản lượng đến hết quý I/2025 là thông tin tác động tích cực đến giá dầu trong điều kiện tiêu cực bủa vây khi nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng chậm và chưa thể đánh giá đầy đủ tác động của chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nguồn cung dầu thô của Mỹ (gia tăng sản xuất năng lượng hóa thạch) và nhu cầu dầu thô thế giới (các hàng rào thương mại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vận chuyển hàng hóa).

Ở chiều ngược lại, 8 thành viên OPEC+ sẽ tăng sản lượng từ tháng 4/2025 – tháng 9/2026 với kế hoạch phân bố cụ thể cho từng thành viên. Điều này phát ra tín hiệu rằng đây là đợt gia hạn cắt giảm sản lượng cuối cùng của tổ chức này và sản lượng sẽ gia tăng từ tháng 4/2025.

Theo Mirae Asset, giá dầu brent đã giảm đáng kể so với đỉnh điểm 120 USD/thùng vào năm 2022 trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng. Giá dầu duy trì ở mức thấp tạo tác động trực tiếp tới ngành phân bón, đặc biệt là phân urê – loại phân bón có nhu cầu lớn nhất tại Việt Nam với công suất sản xuất đạt khoảng 3 triệu tấn/năm. Khí tự nhiên là nguyên liệu chính trong sản xuất urê, do đó, khi giá dầu giảm, chi phí sản xuất phân bón cũng được tối ưu hóa, đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp.

Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất đồng loạt tăng sau động thái từ OPEC+
Giá dầu brent đã giảm gần 50% kể từ vùng đỉnh năm 2022

Khi chi phí đầu vào giảm, các doanh nghiệp có thể nâng cao biên lợi nhuận hoặc giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Thực tế, theo báo cáo của Mirae Asset, biên lợi nhuận gộp của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đã cải thiện từ 12,3% lên 18,4% nhờ vào chi phí sản xuất được tối ưu. Tương tự, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,9% lên 14,5% trong 9 tháng đầu năm 2024.

Mirae Asset cũng kỳ vọng giá phân bón sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu phân bón tăng trên thị trường toàn cầu và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA), nhu cầu phân urê toàn cầu sẽ tăng 6% trong giai đoạn 2024-2028. Tại Việt Nam, dự báo cho thấy tiêu thụ urê có thể tăng 13% trong năm 2024 so với mùa vụ trước, phần nào nhờ vào sự tăng trưởng xuất khẩu nông sản.

Về nhóm hóa chất, một số sản phẩm hóa chất đầu vào như lưu huỳnh, dầu gốc, nhựa đường… là sản phẩm của lọc hóa dầu nên giá dầu thấp sẽ giúp giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp rẻ hơn. Hơn nữa, giá dầu thấp cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển khi phần lớn các nguyên liệu đầu vào của sản xuất hóa chất tại Việt Nam đều là hàng nhập khẩu.

Mặt khác, ngày 26/11 vừa qua, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) về việc quy định thuế suất thuế GTGT 5% với mặt hàng phân bón. SSI Research nhận định, các doanh nghiệp phân bón nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Giá của phân bón nhập khẩu hiện đang thấp hơn 3-5% so với phân bón nội địa.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật