Bitcoin vừa đạt mốc 100.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu một cột mốc quan trọng và thể hiện rõ ràng tiềm năng thay thế vàng để trở thành tài sản lưu trữ giá trị hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu, theo nhận định của Bernstein hôm 5/12.
“Niềm tin của chúng tôi vào Bitcoin vượt qua những biến động chu kỳ”, nhà phân tích Gautam Chhugani cho biết, đồng thời dự đoán đồng tiền này sẽ đạt 200.000 USD vào cuối năm 2025.
“Chúng tôi kỳ vọng Bitcoin sẽ trở thành tài sản lưu trữ giá trị hàng đầu của thời đại mới, dần thay thế vàng trong thập kỷ tới, và trở thành một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư đa tài sản của các tổ chức cũng như tiêu chuẩn cho quản lý ngân quỹ doanh nghiệp”.
Dự đoán này được đưa ra sau khi Bitcoin vượt qua mốc 100.000 USD hôm 4/12. Tiền điện tử đã tăng giá mạnh kể từ sau cuộc bầu cử của Donald Trump, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào một chính quyền và môi trường quản lý thân thiện hơn với tiền mã hóa. Sự lạc quan này đã thúc đẩy một làn sóng mua và giữ dài hạn trên phố Wall, Chhugani nhận xét.
Các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, ra mắt đầu năm nay, đã thu hút khoảng 100 tỷ USD – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử các quỹ ETF. Đồng thời, công ty phần mềm MicroStrategy đã tích cực theo đuổi chiến lược “kho bạc Bitcoin”, nắm giữ hơn 40 tỷ USD giá trị Bitcoin trên bảng cân đối kế toán, và các công ty khác cũng đang đi theo xu hướng này.
Theo Bernstein, các quỹ ETF đã nâng cao sức hút của Bitcoin như một tài sản lưu trữ giá trị bằng cách mang đến cho các nhà đầu tư truyền thống một cách tiếp cận thuận tiện hơn. Trong khi đó, các hướng dẫn mới từ Hội đồng Tiêu chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB) sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc nắm giữ Bitcoin trên bảng cân đối kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phổ biến rộng rãi hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tăng thêm từ các bộ phận quản lý ngân quỹ doanh nghiệp trong tương lai, với MicroStrategy và một số doanh nghiệp nhỏ khác hiện đang dẫn đầu nhu cầu về Bitcoin”, Chhugani viết.
Sự chuyển đổi của Bitcoin thành một loại tài sản đầu tư dài hạn và có tính tổ chức có thể làm suy giảm vai trò của vàng trong tài chính quốc tế. Từ trước đến nay, vàng vẫn được nắm giữ trong các quỹ dự trữ toàn cầu nhờ nguồn cung hạn chế, yếu tố giúp tăng giá trị của nó theo thời gian. Và Bitcoin cũng được thiết kế tương tự, với nguồn cung tối đa được giới hạn ở 21 triệu token.
Một số chuyên gia phố Wall thậm chí còn kỳ vọng Washington sẽ chấp nhận Bitcoin như một tài sản lưu trữ giá trị và kêu gọi chính quyền Trump giới thiệu quỹ dự trữ quốc gia Bitcoin. Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã gợi ý rằng Chính phủ có thể mua thêm Bitcoin cho mục tiêu này bằng cách bán các chứng chỉ vàng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nắm giữ.
Theo Market Insider