Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, khi giá khí đốt đạt đỉnh gần 350 euro/MWh, các công ty trên khắp châu Âu đã đóng cửa nhà máy. Giá khí đốt tăng cao làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ.
Hiện tại, nhiều công ty vẫn nỗ lực duy trì trong bối cảnh nhu cầu giảm nhưng cắt giảm hoạt động, do đó phần nào tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng chậm chạp của EU. Dữ liệu của Bernstein cho thấy, hàng chục nhà máy ở EU đã phải đóng cửa và gần 1 triệu việc làm trong ngành sản xuất đã bị mất trong 4 năm qua.
Trong một báo cáo về khả năng cạnh tranh của châu Âu vào tháng 9, cựu chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga gây ra “tổn thất lớn” cho nền kinh tế và nhiên liệu hoá thạch vẫn rất cần thiết trong ít nhất phần còn lại của thập kỷ.
Giá khí đốt hiện tại của EU cao hơn gần 5 lần so với giá đốt của Mỹ, giao dịch ở mức 10,02 euro/Mwh.
Một cuộc khảo sát của Phòng thương mại Đức (DIHK) vào tháng 8 cho thấy giá năng lượng cao và thiếu nguồn cung năng lượng ổn định đang cản trở hoạt động sản xuất công nghiệp và khiến một số doanh nghiệp cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài.
Tại Pháp, ngành công nghiệp dự kiến sẽ chỉ hoạt động ở mức 70-80% công suất vào mùa đông năm nay do giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực hoá chất, theo Nicolas de Warren – chủ tịch nhóm vận động hành lang ngành công nghiệp Pháp Uniden.
Các nhà phân tích của Rabobank cho biết, khi hoạt động của ngành công nghiệp vẫn trì trệ, rõ ràng rằng nhu cầu khí đốt của lĩnh vực này sẽ không thể hồi phục trong năm nay.
Nhu cầu khí đốt của EU hiện thấp hơn 17% so với mức trung bình trong năm 5 năm trong thời điểm trước đại dịch. Đồng thời, giá khí đốt đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm và các nhà phân tích dự đoán giá sẽ còn tăng hơn nữa.
Trong khi đó, mối lo ngại về việc thoả thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối tháng này cũng khiến giá tăng cao.
Francisco Blanch, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá và phái sinh tại Bank of America, cho biết tâm lý này có thể đẩy giá khí đốt của EU lên tới 70 euro/MWh vào năm tới từ mức gần 50 euro hiện tại. Theo dữ liệu của LSEG, giá khí đố trung bình của EU trong 5 năm trước đại dịch là 17,58 euro/MWh.
Ngoài ra, dữ liệu của Gas Infrastructure Europe cho thấy, kho khí đốt dự trữ trên toàn EU được lấp đầy ở mức 85%, thấp hơn khoảng 10% so với 1 năm trước. Barbara Lambrecht, nhà phân tích của Commerzbank, nhận định rằng tình trạng này sẽ khiến mùa đông sẽ khó khăn hơn với EU, vì những đợt lạnh đột ngột làm mức dự trữ giảm nhanh hơn so với 2 mùa đông trước đó không quá lạnh.
Để nỗ lực đảm bảo nguồn cung, Uỷ ban châu Âu (EC) đã tăng mục tiêu lấp đầy kho dự trữ và động thái này có thể sẽ làm tăng áp lực tăng giá.
Mức dự trữ khí đốt hiện tại của EU thấp hơn khoảng 10 tỷ mét khối so với năm ngoái. Sự chênh lệch này chủ yếu sẽ được bù đắp bằng LNG nhập khẩu từ các nguồn khác và phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để có được nguồn cung sẵn có.
EU vẫn đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào LNG của Nga. Do đó, để tăng lượng khí đốt dự trữ, EU sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với châu Á để nhập khẩu LNG của Mỹ và Trung Đông.
Tham khảo Reuters