Theo báo Tuổi trẻ, ngày 6/12/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. HCM.
Dự án được liên danh CTCP Cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, mã: MVN) và Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên của hãng tàu MSC) đề xuất đầu tư với tổng vốn khoảng 113.531,7 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD).
Theo tờ trình, dự án sẽ được triển khai trên diện tích 571ha tại cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM. UBND thành phố được giao nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định chi tiết tổng vốn đầu tư trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
Đồng thời, UBND TP. HCM sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu cũng như các nội dung tại Nghị quyết số 98.
Quá trình đấu thầu cần đặc biệt lưu ý đến các yếu tố quan trọng như quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư. Ngoài ra, các tiêu chí và giải pháp nhằm khai thác hiệu quả dự án phải được xây dựng, đồng thời tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển trong nước. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực hay lãng phí.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển Cần Giờ |
UBND TP. HCM cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xây dựng các tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nhằm đảm bảo không gây tác động xấu đến vùng đệm và vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Bên cạnh đó, TP. HCM sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học Công nghệ để xây dựng các tiêu chí công nghệ và phương án vận hành cảng biển, đảm bảo dự án được thực hiện với những tiêu chuẩn hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững.
Về phía nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu, hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo vệ môi trường và đảm bảo tiến độ thi công. Nhà đầu tư cũng phải thực hiện ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng nhằm đảm bảo thực hiện dự án đúng kế hoạch.
Dự án cảng Cần Giờ nằm ở vị trí chiến lược tại cửa sông Cái Mép – Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ bổ trợ và nâng tầm cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải quốc tế. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy dự án là sự quan tâm từ MSC, hãng tàu container lớn nhất thế giới với năng lực vận tải 23 triệu TEUs/năm, chiếm 18% thị phần toàn cầu.
Cảng Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.