spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpMở thủ tục phá sản đối với công ty đóng tàu 17...

Mở thủ tục phá sản đối với công ty đóng tàu 17 năm tuổi tại Khánh Hòa

Công ty này còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 26 tỷ đồng, nợ lương hơn 500 triệu đồng và nợ tiền thôi việc, mất việc làm 141 triệu đồng.

Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, có địa chỉ tại Km3, Quốc lộ 1, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo quyết định này, trong thời hạn 30 ngày, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ đến TAND tỉnh Khánh Hòa để thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan theo khoản 4 Điều 66 Luật Phá sản năm 2014.

Mở thủ tục phá sản đối với công ty đóng tàu 17 năm tuổi tại Khánh Hòa
Tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép mang tên Hoàng Sa đang được đóng tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh – Ảnh: DUY THANH

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (CRSY) là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 10/5/2007.

Vào tháng 12/2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết liên quan đến việc thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC. Theo nghị quyết này, công ty mẹ SBIC cùng 7 công ty con, bao gồm Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, sẽ được xử lý phá sản. Các công ty con khác trong danh sách gồm: Đóng tàu Hạ Long, Đóng tàu Phà Rừng, Đóng tàu Bạch Đằng, Đóng tàu Thịnh Long, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Theo nghị quyết, SBIC và 7 công ty con thực hiện các thủ tục phá sản từ quý I/2024.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh đã lên kế hoạch đóng mới và bàn giao hai tàu, nhưng không thực hiện được sản phẩm nào, chỉ bàn giao 21 tàu sửa chữa. Tổng doanh thu của công ty trong năm 2023 đạt gần 37 tỷ đồng, bao gồm 20,9 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh và 15,7 tỷ đồng từ bán thanh lý tài sản thi hành án. Tuy nhiên, tổng chi phí của công ty lên tới 331,9 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ 294,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí khấu hao và lãi vay có gốc ngoại tệ.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, công ty chưa ký được hợp đồng đóng mới tàu nào mà chỉ bàn giao 8 tàu sửa chữa với tổng giá trị sản xuất kinh doanh khoảng 4,5 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024, công ty còn nợ bảo hiểm xã hội hơn 26 tỷ đồng, nợ lương hơn 500 triệu đồng và nợ tiền thôi việc, mất việc làm 141 triệu đồng.

>>Hơn 1.000 công nhân đóng tàu ở Quảng Ninh được đảm bảo việc làm làm đến hết năm 2027 nhờ hợp đồng kỷ lục

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật