spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCTCK điểm tên 4 doanh nghiệp ngành tiêu dùng có nhiều dư...

CTCK điểm tên 4 doanh nghiệp ngành tiêu dùng có nhiều dư địa trong năm 2025

Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo đạt 488 tỷ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng kép giai đoạn 2024 – 2029 hơn 12%/năm.

Theo báo cáo bán lẻ của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), triển vọng tiêu dùng của Việt Nam khá tích cực. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 ước tính khoảng 276,4 tỷ USD, dự báo tăng lên 488,08 tỷ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng kép giai đoạn 2024 – 2029 là 12,05%. TPS kỳ vọng tiêu dùng sẽ cải thiện dần kể từ năm 2025.

Theo đó, công ty chứng khoán chỉ ra 4 cổ phiếu nhóm tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng trong năm tới.

TLG: Nhiều dư địa cho công ty phát triển nhóm văn phòng phẩm, tiềm năng tăng giá 5%

Với vị thế đứng đầu về cung ứng các loại văn phòng phẩm tại Việt Nam và mạng lưới phân phối rộng khắp, CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) sẽ có nhiều thuận lợi tiếp cận khách hàng (cá nhân, tổ chức) khi nền kinh tế phục hồi.

CTCK điểm tên 4 doanh nghiệp ngành tiêu dùng có nhiều dư địa trong năm 2025
Thiên Long đứng đầu về cung ứng các loại văn phòng phẩm tại Việt Nam

Nền kinh tế của Việt Nam đã ghi nhận kết quả rất tốt, vượt kỳ vọng trong 3 quý cuối năm 2024 cùng với dòng vốn FDI không ngừng đổ vào Việt Nam trong vài năm gần đây sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự sôi động trở lại của các doanh nghiệp SME cũng như các hoạt động đầu tư, học tập. Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhóm văn phòng phẩm, tăng trưởng mảng văn phòng trong nước được kỳ vọng khá cao trong giai đoạn 2023 – 2029 (8,37%).

Bên cạnh đó, tương lai xuất khẩu nhóm văn phòng phẩm của Thiên Long được kỳ vọng rất khả quan khi các thị trường xuất khẩu chính như Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và châu Âu phục hồi trở lại sau khi xu hướng thực hiện chính sách nới lỏng lan rộng.

TPS ước tính TLG đạt 3.606 tỷ đồng doanh thu thuần (+4,4% YoY) và 509 tỷ đồng lãi sau thuế (+42,8% YoY) trong năm 2024. Giá mục tiêu TLG là 73.000 đồng/cp, tăng 5% so với giá đóng cửa ngày 6/12.

PNJ: Triển vọng khả quan nhờ sự phục hồi của mảng bán lẻ trang sức, tiềm năng tăng giá 23,4%

Ngành công nghiệp trang sức còn rất nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam do tầng lớp trung lưu và mức thu nhập của người dân ngày càng tăng, thúc đẩy xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ như vàng, bạc và trang sức.

Bên cạnh đó, vàng và các sản phẩm về vàng không chỉ là trang sức mà còn là tài sản dự trữ của người dân Việt Nam. Trong khi đó, ngành công nghiệp trang sức vẫn còn khá mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều lao động kỹ năng và quy mô doanh nghiệp lớn có thương hiệu lâu đời như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Trong năm 2025, doanh thu và lợi nhuận của PNJ được kỳ vọng tăng mạnh nhờ các yếu tố: (1) PNJ đang mở rộng mạng lưới cửa hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ khi nền kinh tế phục hồi; (2) Kỳ vọng đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng ít bị ảnh hưởng bởi biến động của nguồn nguyên liệu hơn khi dây chuyền mới được đưa vào sử dụng; (3) Đưa ra nhiều chính sách marketing thu hút khách hàng mới và tăng tỷ lệ quay lại của khách hàng cũ.

TPS ước tính PNJ đạt 39.477 tỷ đồng doanh thu thuần (+19,1% YoY) và 2.116 tỷ đồng lãi sau thuế (+7,3% YoY) trong năm 2024. Giá mục tiêu PNJ là 119.000 đồng/cp, tăng 23,4% so với giá đóng cửa ngày 6/12.

MWG: Lợi nhuận bùng nổ nhờ nền kinh tế phục hồi và công ty tái cấu trúc, tiềm năng tăng giá 7,9%

Tăng trưởng của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) năm 2025 được thúc đẩy bởi mô hình doanh nghiệp hiệu quả hơn sau tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023. Sau tái cấu trúc, mô hình hoạt động của MWG trở nên tinh gọn hơn, giúp linh hoạt và chủ động đón sóng phục hồi của ngành bán lẻ.

Bên cạnh đó, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, lạm phát hạ nhiệt và thu nhập khả dụng của người dân ngày càng tăng sẽ có tác động tích cực tới tiêu dùng của người dân Việt Nam trong những năm tới.

CTCK điểm tên 4 doanh nghiệp ngành tiêu dùng có nhiều dư địa trong năm 2025
Thế giới Di động được dự báo hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế

Theo Mordor Intelligence, ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2029 là 12,1%/năm và theo dự báo của metric.vn mức tăng doanh thu của nhóm ngành tiêu dùng nhanh quý III/2024 và quý IV/2024 lần lượt là 39% và 32%. Xu hướng đô thị hóa cũng tạo điều kiện cho MWG mở rộng và phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh và Erablue trong thời gian tới.

TPS ước tính MWG đạt 133.746 tỷ đồng doanh thu thuần (+13,1% YoY) và 3.623 tỷ đồng lãi sau thuế (+2.065,3% YoY) trong năm 2024. Giá mục tiêu MWG là 65.900 đồng/cp, tăng 7,9% so với giá đóng cửa ngày 6/12.

DGW: Kỳ vọng được hưởng lợi từ các chính sách thúc đẩy nền kinh tế, tiềm năng tăng giá 16,1%

Trong năm 2025, doanh thu và lợi nhuận của CTCP Thế giới số (DGW) được kỳ vọng tăng mạnh nhờ các yếu tố phục hồi kinh tế và có nhiều chính sách thúc đẩy như sau:

– Đồng hành với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc. Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có chậm lại trong năm 2023, vì vậy, các nhà điều hành sẽ đưa ra nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

TPS cho rằng, đầu tư công sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm 2025 nhằm mục đích thu hút dòng vốn FDI và khuyến khích tiêu dùng. Điều này sẽ có tác động rất tích cực tới nhóm ngành bán lẻ, vì khi thu nhập của người lao động tăng lên sẽ giúp niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng lên.

– Quốc hội đã đồng ý và đề xuất nhiều chính sách thuận lợi cho ngành bán lẻ như đánh thuế VAT đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua kênh chuyển phát nhanh và tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới cuối tháng 6/2025. Với những chính sách này, một mặt khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, một mặt sẽ ngăn chặn bớt các hàng giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam.

TPS ước tính DGW đạt 22.322 tỷ đồng doanh thu thuần (+18,6% YoY) và 444 tỷ đồng lãi sau thuế (+22,5% YoY) trong năm 2024. Giá mục tiêu DGW là 50.100 đồng/cp, tăng 16,1% so với giá đóng cửa ngày 6/12.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật