Tại tọa đàm “Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2024 đạt trên 16,2 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường chủ lực, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị gần 9 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu trên 230 triệu USD đồ gỗ từ Mỹ.
Theo ông Lập, thị trường Mỹ có thể trải qua những biến động lớn trong thời gian tới do chính sách thuế mới của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu. Hiện Trung Quốc, Mexico và Việt Nam là 3 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Chính phủ Mỹ dự kiến áp thuế 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và từ 15%-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
“Với sự thay đổi chính sách sắp tới của thị trường Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam nói chung và ngành đồ gỗ nói riêng có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với hàng hóa từ Trung Quốc”, ông Lập cho biết.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt các nguồn đầu tư và nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực, thậm chí đối mặt nguy cơ Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa, trong đó có sản phẩm gỗ. Thêm vào đó, Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
>. Chi tiết 5 ga hàng hoá trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam quy mô 67 tỷ USD
Xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2024 đạt trên 16,2 tỷ USD |
TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana nhận định rằng, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ mang lại cả cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam. Theo ông Du, áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại là nguy cơ lớn. Ngành gỗ có thể đối mặt với thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp nếu Mỹ phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải hàng hóa từ nước thứ ba, ví dụ như Trung Quốc chuyển hàng qua Việt Nam để né thuế.
Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể gia tăng, gây áp lực lên sản phẩm của Việt Nam. Mỹ cũng đẩy mạnh hỗ trợ ngành gỗ nội địa, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Để thích ứng với các yêu cầu mới từ thị trường Mỹ, ông Du cho rằng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ luật pháp quốc tế. Đồng thời, ngành gỗ nên thúc đẩy nhập khẩu từ Mỹ để giảm chênh lệch thương mại, đồng thời chú trọng đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh, ngành gỗ Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thị trường và đáp ứng các yêu cầu của quốc tế như minh bạch trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc, cũng như cung ứng sản phẩm có mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý. “Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể biến thách thức thành cơ hội, khẳng định vị thế ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Lập kết luận.