Ngày 5/12, FPT Tower đã trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo người yêu công nghệ khi diễn ra cuộc đối thoại “nóng” giữa Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Giáo sư Yoshua Bengio, người được mệnh danh là “Bố già” AI của thế giới. Với chủ đề “AI an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm”, sự kiện mang đến những góc nhìn sâu sắc về xu hướng công nghệ đang làm thay đổi thế giới.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Trương Gia Bình tự hào giới thiệu những ngôi sao sáng nhất của trí tuệ nhân tạo, những người đặt nền móng cho sự phát triển AI toàn cầu đang hiện diện tại đây. Ông nhấn mạnh sự may mắn của những người tham dự khi được trực tiếp gặp gỡ Giáo sư Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Yoshua Bengio nhấn mạnh: “AI đang bùng nổ, năng lực AI đã vượt qua khả năng của con người, đặc biệt trong việc làm chủ ngôn ngữ và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng này đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống AI thông minh hơn con người. Việc hiểu rõ và hành động đúng đắn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố sống còn đối với tương lai nhân loại”.
Giáo sư Yoshua Bengio phát biểu tại sự kiện. Ảnh: FPT |
>> Tỷ phú Jensen Huang: 5/12 là ngày khai sinh ra Nvidia Việt Nam
Ông cảnh báo, việc xây dựng AI cần tập trung vào việc hỗ trợ con người, thay vì biến chúng thành những “tác nhân” với mục tiêu và hành động độc lập. Giáo sư cho rằng không nên trang bị cho AI các đặc điểm giống con người như cảm xúc, ngoại hình hay ý thức, quyền tự quyết, vì điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, bao gồm cả nguy cơ AI tự động đưa ra quyết định không phục vụ lợi ích nhân loại.
Trước lo ngại AI có thể dẫn đến làn sóng mất việc làm, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định rằng, trước khi có AI, chúng ta vẫn sản xuất mọi thứ như quần áo, thực phẩm,… mà không cần đến công nghệ này. Trong tương lai, nhiều công việc cũ có thể biến mất, nhưng những công việc mới sẽ mang lại cơ hội lớn hơn.
Ông nhấn mạnh rằng để thích nghi với thay đổi, con người cần làm chủ công nghệ AI, hiểu rõ cách vận hành và liên tục nâng cao kỹ năng. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quyết định của hiểu biết về công nghệ thông tin và AI trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Giáo sư Bengio đồng tình với quan điểm này, đồng thời bổ sung rằng AI vẫn chưa thể thay thế con người ở những lĩnh vực đòi hỏi tư duy chiến lược, tương tác xã hội. Ông lưu ý, các lĩnh vực ứng dụng phức tạp, có yếu tố xã hội và ảnh hưởng đến con người… sẽ vẫn là lĩnh vực do con người đảm nhận chủ yếu. AI sẽ hỗ trợ trong việc thiết kế công nghệ, nhưng điều đó khác biệt hoàn toàn so với việc hiểu và xử lý bối cảnh xã hội mà công nghệ được áp dụng.
Theo đó, mối đe dọa lớn nhất từ tự động hóa nằm ở sự khó đoán: chúng ta không thể biết trước những công việc nào sẽ bị thay thế. Đối với những người chỉ chuyên môn hóa sâu vào một lĩnh vực hẹp, nguy cơ mất việc trở nên rõ ràng hơn nếu lĩnh vực đó bị tự động hóa. Ngược lại, những người sở hữu một nền tảng kiến thức rộng sẽ dễ dàng thích nghi và chuyển hướng nghề nghiệp hơn khi đối mặt với thay đổi.
Vì vậy, bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, việc xây dựng một nền giáo dục tổng quát là điều không thể thiếu. Các nhà khoa học máy tính và kỹ sư cần được đào tạo không chỉ về công nghệ mà còn về các môn học nhân văn như khoa học xã hội, đạo đức, triết học và luật pháp. Đây là những yếu tố giúp họ hiểu sâu hơn về cách xã hội vận hành.