Vào đầu những năm 1970, một lão nông ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tiến hành đào một chiếc hầm sâu dưới đất để dự trữ bắp cải khi mùa Đông gần đến. Bản thân lão không ngờ rằng, chính việc làm của mình đã dẫn lối đến ‘kho báu’ cấp quốc gia.
Vào ngày nọ, lão vác xẻng ra cánh đồng trồng rau gần nhà và tiến hành đào hầm theo kế hoạch. Đất ruộng do được sử dụng thường xuyên nên khá tơi xốp, giúp cho việc đào hầm diễn ra rất thuận lợi, nhanh chóng.
Đột nhiên, lưỡi xẻng va vào vật gì đó phát ra tiếng động chói tai. Lão nông nhìn kỹ thì thấy đó là một viên đá cuội cỡ to. Thấy không bất thường nên lão tiếp tục công việc. Tuy nhiên, càng đào sâu lão càng thấy nhiều đá cuội. Phần đất chứa đá cuội phải sâu bằng một người lớn.
Qua lớp đá cuội, lão lại thấy một lớp gạch. Ông đưa tay nhặt những viên gạch bọc trong đất và phát hiện những hoa văn cực kỳ kỳ lạ và tinh xảo trên chúng. Đến đây, lão đã cảm nhận có điều gì đó bất thường.
Vốn biết Trương Gia Khẩu quê hương mình là mảnh đất thấm đẫm lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, lão nông không dám đào sâu thêm nữa mà nhanh chóng báo cho Trung tâm quản lý di tích văn hóa của thành phố.
Không lâu sau, đội khảo cổ của Trương Gia Khẩu đến và mang theo nhiều dụng cụ khám phá khảo cổ. Dù màn đêm đã xuống nhưng đội chuyên gia vẫn làm việc hăng say. Một lúc sau, họ chắc chắn rằng thứ sắp đào được là một ngôi mộ cổ. Lớp đá cuội và gạch kia được dùng để bảo vệ ngôi mộ.
“Hãy chôn lại đi và đợi 13 năm nữa kho báu sẽ xuất hiện”
Sau khi đội khảo cổ loại bỏ lớp đất phía trên của ngôi mộ cổ, họ phát hiện ra ngôi mộ cổ dường như không có biện pháp bảo vệ nào khác mà chỉ có lớp đá cuội và gạch phía trên. Cả đội vui mừng khôn xiết, vì biết rằng cách này có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để khai quật mộ cổ lên.
Sau một thời gian, đội khảo cổ đã phá được lớp gạch bao quanh. Một ngôi mộ cổ hùng vĩ hiện ra trước mặt họ.
Các chuyên gia sau khi khám phá tại chỗ đã đưa ra kết luận rằng ngôi mộ cổ này không có cửa lăng hay lối đi vào lăng mộ.
Khi tiến hành mở quan tài, họ phát hiện bên trong không có nhiều thứ như đồ tùy táng mà chỉ có tro cốt của chủ ngôi mộ và 22 đồng xu. Dựa trên những đồng tiền này, các chuyên gia biết đường ngôi mộ có từ thời nhà Đường (kéo dài từ 618-907).
Đến đây, một chuyên gia khảo cổ lão làng có quyết định khiến tất thảy ai cũng kinh ngạc. Người này nói “Hãy chôn lại quan tài đi và đợi 13 năm nữa, kho báu sẽ xuất hiện”.
Ông giải thích rằng: Khi xem xét bên trong quan tài, ông phát hiện ra rằng gỗ quan tài đã “hòa” với lớp đất bên dưới. Với công nghệ và phương tiện đương thời, việc đảm bảo thi công sẽ khó khăn. Quan tài sẽ bị hư hại trong quá trình đưa lên mặt đất.
Để bảo vệ di tích văn hóa có lịch sử hàng nghìn năm này, đội ngũ chuyên gia không còn cách nào khác là đưa ngôi mộ cổ về trạng thái ban đầu, đặt lại những lớp đá cuội và gạch bao quanh để bảo vệ cỗ quan tài.
Họ sẽ kiên nhẫn đợi 13 năm nữa – khi trình độ kỹ thuật dự tính được nâng cao – để mang cỗ quan tài này lên mặt đất và đưa đến bảo tàng thành phố mà nghiên cứu sâu và phục dựng.
Năm 1985, nhóm chuyên gia đã quay trở lại ngôi mộ này sau khi đã mang đầy đủ thiết bị hiện đại. Họ đã lấy ra quan tài thành công mà không hề khiến nó bị hư hại gì.
Hiện nay, cỗ quan tài được chính phủ Trung Quốc công nhận là Di tích văn hóa cấp 3, được các chuyên gia gìn giữ rất cẩn thận.
Mặc dù rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện nhưng đến nay người ta vẫn chưa rõ ai là chủ nhân của ngôi mộ. Tuy nhiên, cỗ quan tài này đã kể một câu chuyện hiếm có về cách nghệ nhân thời Đường trong lịch sử Trung Hoa đã khéo léo như thế nào để tạc nên vỏ quan tài với nhiều hình ảnh tinh xảo, tỉ mỉ và đẹp đẽ đến thế.
Do đó, riêng di tích văn hóa thời Đường này thôi đã trở thành ‘kho báu’ có giá trị nghệ thuật và khảo cổ rất cao.
Tham khảo: Sohu, KK News
.