Đây là phản ánh của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) trong hội nghị bàn tròn với chính quyền thành phố, ngày 9/12. Theo JCCH, sân bay Tân Sơn Nhất là cửa ngõ, quyết định phần lớn tình cảm, ấn tượng của khách ngoại đến địa phương làm ăn, du lịch.
Tuy nhiên, các quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh thường xếp hàng rồng rắn. “So với một số cảng hàng không quốc tế trong khu vực như Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia thời gian chờ đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất dài hơn rất nhiều”, ông Furusawa Yasuyuk, Trưởng ban môi trường đời sống JCCH nói.
Doanh nghiệp cũng phản ánh hệ thống nhập cảnh tự động (Autogate) cho người Việt thường lỗi nên áp lực lượng khách sang quầy nhập cảnh thủ công. Một số người nước ngoài có thẻ cư trú nhưng đôi khi nhập cảnh bị xử lý như khách du lịch và bị ghi nhầm ngày trên visa. Sử dụng thẻ APEC tại làn ưu tiên cũng có trục trặc.
Trăn trở khác liên quan đến sân bay này là thời gian hoàn thuế VAT cho du khách. Gần đây, nhiều trường hợp bị hoàn tiền chậm, theo ông Onose Takahisa, Phó chủ tịch kiêm trưởng ban thuế – hải quan JCCH.
JCCH cho rằng cách vận hành hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất đang tạo ra áp lực lớn cho đội ngũ cán bộ công chức khi xử lý thủ tục xuất nhập cảnh cho khối lượng lớn du khách và khách doanh nhân nước ngoài. “Vì vậy việc cải thiện cách vận hành là cấp thiết để giảm tải cho cả cán bộ lẫn hành khách”, đại diện nói.
Trả lời về tình hình ùn ứ tại Tân Sơn Nhất, Cục Quản lý xuất nhập cảnh TP HCM cho biết sân bay có công suất thiết kế 28 triệu khách mỗi năm nhưng sản lượng năm ngoái đã vượt xa, đến hơn 40,7 triệu lượt.
Tại các khung giờ cao điểm (khu vực xuất cảnh vào 7h-10h và nhập cảnh 13h – 16h) trung bình có 60 chuyến cất/hạ cánh. “Trung bình mỗi phút một chuyến nên bị dồn ứ. Việc này cần phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, giãn chuyến bay ra để hạn chế ùn ứ cục bộ”, đại diện Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất nói.
Ngoài ra, diện tích sàn phục vụ làm thủ tục nhỏ, lại bị thu hẹp bởi một số dịch vụ phi hàng không. Hệ thống máy tính đã cũ, thiếu đồng bộ; Autogate đang trong giai đoạn thử nghiệm nên thường xuyên gặp sự cố, đối tượng được dùng hạn chế.
Với đề xuất tách riêng quầy làm thủ tục, Công an cửa khẩu nói từng thực hiện nhưng không hiệu quả do không tận dụng được hết không gian sảnh chờ. Theo dự kiến của Bộ Công An, thời gian tới sẽ dần mở rộng áp dụng Autogate cho chiều xuất cảnh của công dân Việt Nam và tiếp đến là người nước ngoài.
Liên quan đến hoàn thuế VAT chậm, Cục Hải quan TP HCM cho biết hệ thống công nghệ đứng sau là VNACCS/VCIS năm nay từng gặp sự cố lớn và cũng sắp hết hạn bảo hành. Hệ thống này hiện hoạt động chưa mượt mà và đã được Tổng cục Hải quan lên phương án nâng cấp.
“Đúng là mỗi lần hoàn thuế hệ thống chạy mất 10 phút, một giờ chỉ được 6 người nên ảnh hưởng đến lịch bay của du khách. Chúng tôi thật sự xin lỗi vì sự cố khách quan do lỗi kỹ thuật”, phía Hải quan nói.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan lưu ý các đơn vị liên quan nên tham mưu thêm khi sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng lạc hậu so với láng giềng. “Phải có quyết tâm đổi mới nhiều hơn, là điểm đến văn minh, tiến bộ trong các sân bay ở Việt Nam để đầu tư tương xứng. Đây cũng là cải thiện môi trường đầu tư, kinh tế, du lịch”, ông nhận định.
Ngoài ra, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ hoạt động vào tháng 4/2025, là nhà ga nội địa lớn nhất cả nước, phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm và đáp ứng 7.000 hành khách giờ cao điểm. Ông Hoan yêu cầu các đơn vị tập trung tổ chức nhà ga T3 thành mô hình hiện đại kiểu mẫu.
Các bất cập về vận hành sân bay Tân Sơn Nhất thuộc 70 ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại TP HCM xoay quanh các vướng mắc về lao động, thuế, hải quan, môi trường – đời sống.
Tại bàn hội nghị, JCCH cũng băn khoăn về thời hạn cho thuê đất của Khu chế xuất Tân Thuận chỉ còn 17 năm. Nơi này được định hướng công nghệ cao nhưng chưa có tiêu chí cụ thể cho doanh nghiệp có phương án tiếp tục đầu tư. Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp TP HCM nói đang tham mưu trình UBND về các chính sách chuyển đổi, trong đó có tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu.
Tính từ năm 1988 đến 31/10, Nhật Bản có 1.767 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 5,88 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM.
Chủ tịch JCCH Nozaki Takao cho biết sẽ vận động các doanh nghiệp Nhật Bản tích cực đổi mới công nghệ để cùng chuyển đổi công nghiệp của Thành phố. Ngoài ra, với dân số ngày càng tăng và quy mô mở rộng, ông đánh giá địa phương là thị trường đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ. Đặc biệt, khi tuyến Metro số 1 hoạt động tháng sau, việc phát triển kinh tế quanh tuyến này cũng là mối quan tâm lớn.
“Chúng tôi mong muốn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, nhất là trong mục tiêu tăng trưởng xanh”, ông Nozaki Takao nói. Ngoài các vấn đề kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng địa phương cải thiện tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói dù đã nỗ lực, kết quả vẫn còn chưa đạt kỳ vọng về các vấn đề xã hội này. “Tôi rất ấn tượng trước sự quan tâm toàn diện của các bạn – từ những việc lớn đến những chi tiết nhỏ nhất. Những việc nhỏ mà không thay đổi cũng có nguy cơ tác động lớn”, ông nói.
Viễn Thông