spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNền kinh tế số 1 châu Á đang chứng kiến một sự...

Nền kinh tế số 1 châu Á đang chứng kiến một sự kiện 'không mong muốn', chuyên gia cảnh báo sẽ tác động mạnh đến thị trường hàng hoá toàn cầu

Theo Igor Isaev, giám đốc phân tích tại công ty dịch vụ môi giới Mind Money, do diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc có tác động mạnh đến hàng hoá nên tăng trưởng chậm chạp có thể sẽ làm gián đoạn thị trường toàn cầu.

Isaev cho biết, thị trường hàng hoá phải đối mặt với một số thách thức có thể khiến biến động giá gia tăng, trong đó có sự kiện Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp nhậm chức, xung đột ở Trung Đông và những vấn đề về thời tiết xảy ra dọc bờ biển Mexico và Mỹ.

Vị chuyên gia nói thêm: “Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố khác mà thị trường chủ quan, đó là việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc từ lâu đã được coi là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng dự báo hiện không còn tích cực. Nhiều nhà phân tích cho rằng thời điểm cực thịnh của nền kinh tế nước này đã diễn ra vào năm 2021.”

Isaev cho biết, lý do chính dẫn đến việc nền kinh tế tăng trưởng chậm là tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, thị trường bất động sản suy thoái và chi tiêu tiêu dùng yếu. Tất cả những yếu tố này sẽ tiếp tục gây ra áp lực giảm phát.

Ông lưu ý: “Do đó, giá tiêu dùng của Trung Quốc không tăng trưởng trong tháng 9, với mức tăng so với năm trước chỉ là 0,4%. Lạm phát cơ bản giảm xuống mức khá thấp là 0,1%, đánh dấu một dấu hiệu rõ ràng về sự suy thoái kinh tế.”

Thị trường tiêu dùng trong nước của nền kinh tế số 2 thế giới cũng suy yếu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mất đi lợi thế là chi phí lao động thấp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên, dân số già hoá và lượng hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu giảm.

Theo nhà phân tích này, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát những thay đổi đó những nhiều thách thức vẫn tồn đọng. Nếu không có thêm các biện pháp kích thích, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào thời kỳ giảm phát kéo dài như Nhật Bản những năm 1990. Những biện pháp này có thể được thúc đẩy nhiều hơn để trách kịch bản tương tự như Nhật Bản và khiến tăng trưởng kinh tế dần xuống còn khoảng 3,5% đến 4,5% mỗi năm trong 3-5 năm tới.

Trung Quốc là động lực lớn đối với thị trường hàng hoá. Bởi vậy, những thay đổi trong tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học chắc chắn sẽ có tác động không cân xứng đến hàng hoá toàn cầu.

Isaev cho hay: “Quốc gia này vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất với các nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ. Bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi mua hàng hoá của Trung Quốc đều sẽ được phản chiếu trên thị trường toàn cầu. Khối lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc lên tới 11 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1 chút so với mức của tháng 9 năm ngoái và vẫn đạt con số trung bình trong những tháng gần đây.”

Tổng khối lượng nhập khẩu vẫn ở mức ổn định, song giá dầu nhập khẩu trung bình trong tháng 9 đã giảm do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc gây áp lực lên toàn thị trường, nhưng từ thời điểm đó đã vượt 60 USD/thùng.

Năng lượng vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt của Trung Quốc. Dù có những rào cản, nhưng Bắc Kinh đã thực hiện các bước điều chỉnh về chiến lược đối với lĩnh vực năng lượng, có thể làm giúp kinh tế nước này “hạ cánh mềm”. Isaev cho biết, từ năm 2022 đến năm 2024, quốc gia này đã cắt giảm được 5–15% chi phí năng lượng trên một đơn vị GDP.

Chi tiêu năng lượng giảm bớt đến từ một vài lý do, đầu tiên là liên quan đến nguồn tài nguyên rẻ hơn vì Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia khó khăn và có giá chiết khấu 30% so với thị giá. Ngoài ra, nước này đã hiện đại hoá hệ thống năng lượng trong nước, giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm giá.

Ông nhận định, nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội mới ở các khu vực và lĩnh vực thị trường khác nhau, ví dụ như Mỹ với các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, AI, robot và big data. Ngoài ra, các công ty Ấn Độ và Mexico cũng có thể thay thế vai trò của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Tham khảo Kitco News

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật