Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tháng 11 không mấy khả quan, khi VN-Index tiếp tục về quanh vùng 1.200 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE trong tháng 11 giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ còn khoảng 12.200 tỷ đồng/phiên.
Mặt bằng thanh khoản thu hẹp do tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước các biến số rủi ro bên ngoài khó đoán định và chờ đợi các nhân tố mới hỗ trợ thị trường tăng trưởng bền vững. Xu hướng dòng tiền nghiêng về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ giữa bối cảnh thanh khoản trầm lắng. Trong khi đó, tỷ trọng giao dịch ở nhóm VN30 suy giảm, chủ yếu do giao dịch thu hẹp ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank – nói tuần trước, thị trường đóng cửa ngay mức 1.270 điểm, thanh khoản tăng cao.
Ông cho rằng trong tháng 12, VN-Index có thể kỳ vọng quay lại mức thử thách 1.300 điểm, với điều kiện duy trì trên vùng 1.270 điểm và thanh khoản được giữ ở mức tốt. Điều kiện tốt hơn nữa là nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng, chuyển mua ròng.
Thời điểm này, ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư nên nhìn sang triển vọng năm 2025, với các ngành nhiều tiềm năng như công nghệ, vận tải hàng không, nguyên vật liệu, giải trí – du lịch, bất động sản.
Theo trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 12, thị trường được kỳ vọng tiếp tục trạng thái tích lũy, với ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm và ngưỡng cản cần thử thách 1.295 điểm.
Đơn vị này cho rằng thị trường chứng khoán đã lấy lại được cân bằng trong những ngày đầu tháng 12 với sự cải thiện trở lại của nhiều cổ phiếu trong rổ VN30, trong đó có nhóm tài chính (ngân hàng và chứng khoán), bên cạnh các nhóm cảng và logictics (vận chuyển), dệt may, thủy sản và bất động sản vẫn đang duy trì động lực tăng giá tốt.
SSI Research đánh giá thị trường có một số yếu tố đang thu hút sự chú ý như tăng trưởng GDP quý IV được kỳ vọng duy trì tích cực. Một số ngành như đầu tư công dự kiến tăng tốc không chỉ vào quý IV mà tiếp tục trong năm 2025; xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ duy trì khả quan trước khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ được đưa ra.
Kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2025 với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá đang được chờ đợi. Ngoài ra, mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vẫn được đẩy mạnh. Dự kiến, FTSE sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của Việt Nam vào tháng 1/2025.
Theo SSI Research, sau một tháng điều chỉnh, lợi thế sẽ thuộc về các nhóm ngành đang ở vùng định giá thấp và có các yếu tố hỗ trợ ngắn hạn như ngân hàng, chứng khoán, xuất khẩu (dệt may, thủy sản), bất động sản. Tận dụng biến động giảm để tích lũy cổ phiếu đầu ngành các nhóm này, nhà đầu tư cần đa dạng hóa danh mục và chủ động bảo vệ lợi nhuận khi đạt kỳ vọng.
Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng chỉ số VN-Index đang giao dịch tích lũy trong khoảng 1.200-1.300 điểm, với thanh khoản giao dịch dần suy giảm sau một thời kỳ bán ròng mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong kịch bản cơ sở, VNDirect cho rằng VN-Index sẽ dao động quanh mức 1.250-1.270 điểm vào cuối năm nay, dựa trên giả định tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường đạt 18% và mức P/E (giá/thu nhập) mục tiêu là 13 lần. Mức P/E này thấp hơn hồi cuối năm 2023 (13,4 lần).
Mặc dù tăng trưởng kinh tế và bức tranh lợi nhuận của các công ty niêm yết đã có sự cải thiện, nhưng những điều tích cực này chưa được phản ánh đầy đủ vào định giá thị trường, bởi mức bán ròng kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài, áp lực tỷ giá và căng thẳng thanh khoản lớn hơn trong những tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Với mức định giá hiện tại và bối cảnh kinh tế vĩ mô, các chuyên viên phân tích của VNDirect cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư dài hạn chủ động phân bổ vốn và tích lũy cổ phiếu nhằm xây dựng danh mục cho năm 2025.
Tuy vậy, do thị trường vẫn chưa xác lập được xu hướng tăng vững chắc, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức có thể gây phản tác dụng và gia tăng rủi ro. Các nhà đầu tư được khuyến nghị áp dụng chiến lược phân bổ vốn thận trọng.