Các lực lượng đối lập Syria ngày 7/12 đã tiến vào Damascus hầu như không gặp phải sự kháng cự nào, trong bối cảnh quân đội Syria đã tan rã và Tổng thống Assad, người cầm quyền ở Syria suốt 24 năm qua, lên máy bay rời khỏi đất nước sang tị nạn ở Nga. Sự ra đi đột ngột của ông Assad đánh dấu một diễn biến đáng kinh ngạc trong cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 14 năm ở Syria, bắt đầu từ những cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2011 ở thời điểm đỉnh cao của phong trào Mùa xuân Ảrập.
Các nhà phân tích nhận định, sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Syria vì một số nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Quân đội Syria suy yếu
Theo hãng thông tấn Al Jazeera, quân đội Syria suy yếu đến mức hiện chỉ còn vỏ rỗng sau khi nội chiến dai dẳng 14 năm khiến hơn 500.000 người thiệt mạng, một nửa trong tổng số 23 triệu dân của đất nước trước chiến tranh, bị mất nhà cửa. Nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Syria bị tàn phá nặng nề.
Trong những năm đầu của xung đột, sự kết hợp của thương vong, đào ngũ và trốn nghĩa vụ quân sự đã khiến quân đội mất khoảng một nửa trong số 300.000 binh sĩ của mình. David Rigoulet-Roze, một chuyên gia về Syria tại Viện các vấn đề quốc tế và chiến lược của Pháp chỉ ra rằng, chìm ngập trong nạn tham nhũng, sự mất tinh thần và việc trả lương bổng thấp, quân chính phủ Syria tỏ ra bất ngờ khi liên minh vũ trang nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) đứng đầu đột nhiên tràn ra khỏi thành trì của họ ở tỉnh Idlib vào ngày 27/11 vừa qua.
Một cơ quan giám sát xung đột Syria có trụ sở tại Anh cho biết, quân đội Syria liên tục phải sơ tán khỏi các vị trí trên khắp đất nước khi các tay súng nổi dậy tiến công, lần lượt chiếm giữ từng thành phố một và thần tốc tiến tới thủ đô.
Hôm 4/12, ông Assad đã ra lệnh tăng 50% lương cho lính chuyên nghiệp trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm củng cố quân đội đang sụp đổ. Tuy nhiên, với nền kinh tế Syria đang trong tình trạng tồi tệ, động thái này không có nhiều tác động.
Các đồng minh bị phân tán
Chuyên gia Trung Đông Wassim Nasr của hãng thông tấn France 24 cho biết, suốt nhiều năm qua, Tổng thống Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và ngoại giao từ các đồng minh chủ chốt là Nga và Iran. Nếu không có họ, chính quyền Assad gần như chắc chắn đã sụp đổ sớm hơn nhiều. Với sự giúp đỡ của hai nước đồng minh, Damascus từng giành lại nhiều lãnh thổ mất vào tay quân nổi dậy kể từ năm 2011 và sự can thiệp của Nga bằng sức mạnh không quân vào năm 2015 đã thay đổi cục diện nội chiến theo hướng có lợi cho ông Assad.
Tuy nhiên, theo ông Nasr, lần này, cuộc tấn công của liên minh nổi dậy Syria diễn ra khi Nga vẫn đang tập trung lực lượng cho xung đột ở Ukraine và cắt giảm đáng kể nguồn lực tại quốc gia Trung Đông. Những cuộc không kích hỗ trợ lần này của các lực lượng Moscow rốt cuộc đã không thể ngăn chặn được bước tiến của các chiến binh Hồi giáo nổi dậy trên khắp Syria.
Iran, đồng minh quan trọng khác của chính quyền Assad, từ lâu đã cung cấp cố vấn quân sự cho lực lượng vũ trang Syria cũng như hỗ trợ các tổ chức vũ trang ủng hộ chính phủ trên thực địa. Tuy nhiên, Tehran và các nhóm đồng minh đã phải hứng chịu những thiệt hại lớn trong giao tranh với Israel năm nay và điều này đã tạo cơ hội cho quân nổi dậy Syria tập kích chính quyền Assad suy yếu.
Hezbollah bị “trói tay” và chiến lược của Mỹ – Israel
Nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon đã công khai ủng hộ Damascus kể từ năm 2013 khi điều hàng nghìn chiến binh sang bên kia biên giới để tăng cường cho quân đội Syria. Song, quân nổi dậy Syria đã phát động chiến dịch tấn công cuối tháng trước, vào cùng ngày lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực sau hơn một năm đụng độ ở Lebanon.
Hezbollah đã chuyển nhiều tay súng của nhóm từ Syria đến miền nam Lebanon để đối phó với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), làm suy yếu sự hiện diện của nhóm ở nước láng giềng. Giao tranh với IDF đã làm suy yếu ban lãnh đạo Hezbollah, khi thủ lĩnh lâu năm của nhóm là Hassan Nasrallah, người được chọn kế nhiệm ông và một loạt các chỉ huy cấp cao khác của nhóm đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.
Khi quân nổi dậy Syria tràn vào Damascus hôm 8/12, một nguồn tin thân cận với Hezbollah tiết lộ nhóm đang rút các lực lượng còn lại của mình khỏi vùng ngoại ô thủ đô Syria và khu vực Homs gần biên giới.
Bình luận về sự sụp đổ của chính quyền Assad, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả đây là “hậu quả trực tiếp của những đòn giáng của Tel Aviv nhằm vào Iran và Hezbollah, những thế lực ủng hộ chính của ông Assad”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tuyên Washington và các đồng minh đã làm suy yếu các thế lực hậu thuẫn Syria là Nga, Iran và Hezbollah. Lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố đây là “lần đầu tiên” các đồng minh của Tổng thống Assad không thể bảo vệ quyền lực của ông ta nữa, đồng thời lưu ý: “Cách tiếp cận của chúng tôi đã thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông”.
>> Israel, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không kích hàng loạt địa điểm ở Syria