Từ ngày 01-7-2024 khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực, tình trạng lừa đảo trực tuyến trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm chóng mặt.
Lừa đảo trực tuyến trong lĩnh vực ngân hàng giảm rất mạnh
Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể.
Nổi bật nhất có thể kể đến: Số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8/2024 giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
Còn theo chia sẻ của đại diện một số ngân hàng thương mại với số lượng khách hàng khoảng từ 8 đến hơn 10 triệu, số lượng và giá trị các vụ lừa đảo tài chính trực tuyến giảm từ 10 đến 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, tại một số ngân hàng đã không có phát sinh số lượng vụ việc lừa đảo trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9/2024.
Hàng loạt những con số trên cho thấy quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN đã có rất nhiều tác động tích cực trong việc giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong ngành ngân hàng.
Cần cẩn trọng với những rủi ro mới
Tuy nhiên, các hình thức lừa đảo của tội phạm ngành ngân hàng luôn biến chuyển không ngừng và ngày càng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn. Trong bối cảnh các ứng dụng mạng xã hội phát triển bùng nổ như hiện nay, đặc biệt là ChatGPT và trí tuệ nhân tạo, tội phạm không khó để thu thập hình ảnh của một người rồi tạo ra các bản sao giả mạo hoàn hảo với đầy đủ đặc điểm sinh trắc học cá nhân để thực hiện các giao dịch trái phép.
Chính vì vậy, khách hàng cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Trên thực tế, tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn tồn tại rất nhiều, chính vì vậy cần đến thêm các biện pháp quản lý ngăn chặn khắt khe của phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử như tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Chỉ bằng một thao tác tìm kiếm đơn giản, người ta có thể tìm thấy hàng chục hội nhóm chuyên mua bán hoặc thuê tài khoản ngân hàng trên các nền tảng mạng xã hội, giao dịch thực hiện chủ yếu qua ứng dụng Telegram. Thậm chí đã có những lời chào mời muốn thuê tài khoản ngân hàng chính chủ với số tiền đến 200 nghìn đồng/ngày.
Công an tỉnh Bình Dương mới đây đã phát hiện ra đường dây mỗi tháng tạo lập ra khoảng hơn 20.000 tài khoản ngân hàng trái phép phục vụ cho mục đích bất chính. Số tài khoản này phần lớn được bán lại cho các đối tượng lừa đảo qua mạng, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền…
Diễn biến đó cho thấy vấn nạn lừa đảo tài chính trong ngành ngân hàng vẫn đang hiện hữu và biến chuyển khó lường. Chuyên gia về an ninh mạng ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – Chuyên gia an toàn thông tin – Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong bài phát biểu trước Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đặc biệt lưu tâm đến các hình thức lừa đảo nổi bật nhất gần đây trong ngành ngân hàng.
Ông Hiếu cho biết, tội phạm có thể đánh lừa người dùng qua nhiều hình thức khác nhau với mục đích chiếm đoạt tài sản cùng các xu hướng gian lận tài chính thường được thể hiện qua: Lừa đảo gọi điện thoại; Lừa đảo email doanh nghiệp BEC – Business Email Compromise; Lừa đảo tình cảm; Lừa đảo đầu tư; Lừa đảo thanh toán trước; Giả mạo, mạo danh…
Các ngân hàng tăng cường đầu tư tài chính, nguồn lực để bảo vệ khách hàng
Phía các ngân hàng cũng đã vào cuộc rất khẩn trương và quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trong ngành ngân hàng thời gian qua. Theo đó, các nhà băng đều tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân lực cũng như tăng cường kết nối, trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng khác để cùng chủ động ngăn chặn lừa đảo, bảo vệ tài sản cho khách hàng.
Chẳng hạn, bằng cách biện pháp nghiệp vụ, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) mới đây đã ngăn chặn được nhiều vụ việc lừa đảo tài chính. Các đối tượng này đã sử dụng nhiều tên gọi gần giống với ngân hàng PVCombank ví như Ngân hàng Đại chúng, Tập đoàn Cổ phần ECredit Đại chúng khiến khách hàng hiểu lầm đó là ngân hàng PVCombank, sau đó chúng tự ý in thẻ giả, gửi đến khách hàng rồi yêu cầu nộp nhiều loại phí.
Đại diện LPBank cũng cho biết phía ngân hàng đã có những chương trình đào tạo nhân viên để giúp hỗ trợ các khách hàng không dính vào các vụ lừa đảo tài chính.
Sau những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và phía các ngân hàng thành viên, số lượng các vụ lừa đảo chuyển tiền trực tuyến giảm, tội phạm lại chuyển sang hướng đe dọa người dân đi vay tiền để chuyển cho chúng.
Đơn cử như mới đây, tại huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng, sau khi bị bọn lừa đảo thao túng tâm lý đã ra ngân hàng vay 5 tỉ đồng trong vòng 1 tháng và đề nghị chuyển số tiền đó vào tài khoản của người khác. Trong quá trình thẩm định vay vốn, nhờ có kỹ năng tốt được đào tạo, nhân viên ngân hàng đã cảm nhận thấy có những yếu tố bất thường và báo công an huyện. Kết quả vụ lừa đảo số tiền nhiều tỉ đã được ngăn chặn.
Trong bối cảnh công nghệ ngân hàng ngày một phát triển mang lại nhiều tiện ích nhưng đi kèm với đó cũng là không ít rủi ro. Chính vì vậy, việc tăng cường trao đổi giữa các chuyên gia an ninh mạng và ngân hàng trong và ngoài nước là vô cùng cần thiết để giúp tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
Sự kiện Vietnam Banking Innovation Summit 2024
Các giải pháp công nghệ mới nhất cùng với những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro sẽ là đề tài chính được bàn thảo tại Vietnam Banking Innovation Summit 2024 – hay Hội nghị Đổi mới và Sáng tạo ngành Ngân hàng Việt Nam (VBIS) được tổ chức nhằm đón đầu những chuyển đổi lớn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành ngân hàng tại Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị dự kiến sẽ quy tụ hơn 100 chuyên gia ngành ngân hàng, bao gồm đại diện từ Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng lớn nhất Việt Nam.
Về phía khách mời Quốc tế, dự kiến sẽ có Ông Frankie Wai, Business Solutions Director, Temenos AG, Ông Michael Arenata, AWS Financial Services – ASEAN Banking, Amazon Web Services,… và nhiều chuyên gia khác.
Thời gian: 8:00 – 14:00, Thứ Sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2024
Địa điểm: Khách Sạn Equatorial, 242 Trần Bình Trọng, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Đơn vị tổ chức: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp cùng Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông 5S (5S Media) và các đối tác chiến lược: Temenos, AWS, Thunes
Đăng ký tham gia tại đây