spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpNóng: Công an tìm người bị hại trong vụ lừa đảo nghìn...

Nóng: Công an tìm người bị hại trong vụ lừa đảo nghìn tỷ của TikToker Mr. Pips và Mr. Hunter

Có 2.661 người trên toàn quốc được xác định là bị hại trong vụ án liên quan đến Mr. Pips và Mr. Hunter, với khối tài sản thu giữ lên đến 5.200 tỷ đồng.

Ngày 10/12, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền”, “không tố giác tội phạm”, và “chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Vụ án liên quan TikToker Mr. Pips (Phó Đức Nam) và Mr. Hunter (Lê Khắc Ngọ) cùng các đồng phạm, với hàng ngàn nạn nhân trên cả nước, đã gây xôn xao dư luận.

Hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố 31 bị can, trong đó 26 người bị cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 người bị buộc tội rửa tiền, 1 người bị cáo buộc không tố giác tội phạm, và 1 người bị cáo buộc chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

lua.jpg
Mr. Hunter (trái) và Mr. Pips (phải)

>> Vụ lừa đảo 5.200 tỷ của TikToker Mr. Pips và Mr. Hunter: 2.600 nạn nhân làm cách nào để lấy lại tiền?

Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, có 2.661 người trên toàn quốc được xác định là bị hại trong vụ án này, với số tài sản bị lừa đảo lên đến 5.200 tỷ đồng.

Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội cho biết, những người bị hại cần trình báo vụ việc tại phòng cảnh sát hình sự công an các tỉnh, thành phố hoặc đến trực tiếp Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội tại số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người dân cũng có thể liên hệ qua đường dây nóng 0886.882.338.

Thượng tá Thái khẳng định, nếu cơ quan điều tra chứng minh được tài sản thu giữ là do lừa đảo mà có, các tài sản này sẽ được hoàn trả cho bị hại theo quy định pháp luật.

Trong số tài sản hơn 5.200 tỷ đồng thu được, có 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng khảm kim cương; 125 bất động sản.

Phó Đức Nam (30 tuổi, biệt danh Mr Pips) là một nhân vật nổi tiếng trên TikTok và YouTube nhờ những video về cuộc sống xa hoa, khoe khối tài sản khổng lồ và dạy đầu tư tài chính. Những hình ảnh này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, và từ đó, không ít người đã trở thành nạn nhân của Nam.

“Khi người ta thấy được nhà đẹp, xe sang sẽ truyền được sự tin tưởng cho người xem và người xem sẽ bị cuốn hút vào các hình ảnh này để họ có thể dễ dàng bị lôi kéo tham gia”, bị can Phó Đức Nam khai nhận.

Núp bóng danh nghĩa một công ty tư vấn đầu tư tài chính và môi giới chứng khoán, nhóm đối tượng đã thiết lập 44 văn phòng trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, có hơn 1.900 nhân viên được phân công cụ thể, hoạt động chuyên nghiệp.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã cấu kết với một nhóm người nước ngoài để vận hành 22 sàn giao dịch chứng khoán quốc tế giả mạo. Khi các bị hại thực hiện lệnh mua bán, hệ thống sẽ bị can thiệp để họ thua lỗ toàn bộ số tiền đã nạp. Khi bị hại yêu cầu rút tiền, nhóm đối tượng sẽ treo lệnh và sau đó nhắn tin thuyết phục họ tiếp tục giao dịch.

Lê Khắc Ngọ, hay còn gọi là “Mr. Hunter”, tự xây dựng hình ảnh một nhà đầu tư tài chính thành công với hơn 13 năm kinh nghiệm. Ông thường xuyên chia sẻ câu chuyện vượt khó, từ một người nợ hơn 2 tỷ đồng ở tuổi 20 trở thành một nhà cố vấn tài chính danh tiếng.

Thông qua các khóa học dạy đầu tư và hội thảo tài chính, Mr. Hunter đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư tham gia, đồng thời quảng bá bản thân là cố vấn phát triển cho các công ty môi giới và quỹ đầu tư quốc tế.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ tham gia các kênh đầu tư có uy tín, được quản lý bởi cơ quan chức năng. Việc cẩn trọng là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản cá nhân, tránh trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo tương tự.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật