Chiều 10/12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP. HCM khóa X, UBND TP. HCM đã trình HĐND Thành phố Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Đán chú ý, điểm mới trong đề án này là mục tiêu hoàn thành 355km đường sắt đô thị vào năm 2035, cao hơn 172km so với mục tiêu trước đây (183km). Tổng vốn đầu tư cho 355km metro ước tính lên tới 40,2 tỷ USD, trong đó phần lớn sẽ được huy động từ nguồn vốn công.
Cụ thể, trong giai đoạn 2026-2030, thành phố cần 16,35 tỷ USD, trong đó ngân sách TP. HCM dự kiến chi 5,81 tỷ USD (chiếm 35,54%). Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 3,86 tỷ USD (chiếm 23,61%). Một phần nguồn vốn khác sẽ được huy động thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước với 4,34 tỷ USD (chiếm 26,54%). Thành phố dự kiến huy động thêm 2,34 tỷ USD từ nguồn vốn BT trả chậm (chiếm 14,31%).
Từ năm 2031-2035, TP. HCM cần thêm 24 tỷ USD để đầu tư. Trong đó, ngân sách TP. HCM dự kiến chi 13,3 tỷ USD (chiếm 55,45%) và ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 4,52 tỷ USD (chiếm 18,80%). Thành phố cũng sẽ phát hành trái phiếu và huy động từ các hình thức vay khác trong nước 1,97 tỷ USD (chiếm 8,19%), cùng với 4,22 tỷ USD từ nguồn vốn BT trả chậm (chiếm 17,55%).
Khác với trước đây các dự án metro chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, lần này hầu hết các dự án sẽ được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Để đảm bảo hoàn thành 355km đường sắt đô thị vào năm 2035, UBND TP. HCM cho biết, giai đoạn 2025-2027 sẽ tập trung vào công tác chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2027-2028, các công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng phải được hoàn tất để triển khai thi công.
Dự kiến, các công trình sẽ được khởi công từ năm 2027, hoặc muộn nhất vào năm 2028. Trong giai đoạn 2031-2035, các công trình sẽ được xây dựng và lắp đặt hệ thống ray, đầu máy, toa xe, thiết bị thông tin tín hiệu…