spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTín dụng tăng trưởng mạnh ở thời điểm "nước rút", chuyên gia...

Tín dụng tăng trưởng mạnh ở thời điểm "nước rút", chuyên gia nói gì?

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, mục tiêu đạt được tăng trưởng tín dụng năm 2024 như kỳ vọng sẽ không khó. Tuy nhiên, vị này cho rằng, ngoài chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cần quan tâm đến chất lượng tín dụng.

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% và đến ngày 7/12 con số này đã tăng lên 12,5%. Ở thời điểm đầu năm, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2024 đạt 15%.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, cho biết, mặc dù nền kinh tế gặp một số khó khăn vào đầu năm 2024, nhưng đến nay, tín dụng đã có nhiều bước tiến tích cực. Với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay, ngành ngân hàng có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đã đặt ra từ đầu năm.

Nhận định về chỉ số tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện tại, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để đạt được kỳ vọng của NHNN là điều không khó bởi các ngân hàng thương mại đều có chiến lược để hoàn thành được chỉ số đó.

Ông Hiển cho hay, quay trở lại vài tháng trước, chỉ có 5 ngày cuối tháng 6 mà tăng trưởng tín dụng tăng 1%. Trong khi cả tháng 6, tăng trưởng tín dụng chỉ có 3%. Con số này cho thấy, việc đẩy vốn ra thị trường có thể diễn ra rất nhanh.

Kịch bản này cũng đang lặp lại ở thời điểm những tuần cuối cùng của tháng 12. Đây là cơ sở khiến vị chuyên gia này dự báo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, hiện tại, nhìn vào chỉ số tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp. Điều này thể hiện sự thận trọng của ngành ngân hàng trước sự hấp thu của nền kinh tế chưa được mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản còn trầm lắng. Các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi nhiều.

“Vì sao phải thận trọng? Bởi ngành thương mại dịch vụ hiện mới tăng 8%. Trong các năm trước dịch, quy mô của ngành thương mại dịch vụ tăng tới 15%. Chỉ số này cho thấy việc đưa vốn ra thị trường.giai đoạn này phải thận trọng. Vì nếu thị trường hấp thụ không tốt, tiền bơm ra quá nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ bong bóng tài chính.

Việc bơm vốn ra từ từ thể hiện các ngân hàng có sự thận trọng rất rõ ràng. Và đây là chiến lược hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống tài chính”, ông Hiển nói.

Nhìn ở góc độ tổng quan, ông Hiển cho rằng, tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề tăng trưởng tín dụng dựa trên hoạt động kinh doanh mới để tạo ra tiền của doanh nghiệp, hay nhà đầu tư cá nhân, người tiêu dùng cá nhân thực sự hay không cũng rất quan trọng.

Ông Hiển nhấn mạnh: “Chúng ta cần đi vào chất lượng của tín dụng, không phải chỉ là việc cho vay không tạo nợ xấu mà cần tạo ra giá trị lan tỏa giá trị của các hoạt động tiếp theo của ngân hàng như dịch vụ thanh toán… để giúp cho ngân hàng hoạt động hiệu quả cao hơn thay bằng việc tìm cách tăng doanh thu từ tín dụng”.

Trên cơ sở đó, ông Hiển cho rằng, ngoài chỉ số tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần phải quan tâm tới các chỉ số khác và không thể mặc định việc ghi sổ lợi nhuận từ tín dụng báo cáo ra cho cổ đông là thành công. “Thực sự lợi nhuận đó ngân hàng giữ được không? Ngân hàng không bị nợ xấu thực sự không?”, ông Hiển đặt ra vấn đề. Cũng theo vị này, việc đưa vốn ra nền kinh tế hiệu quả cần kết hợp giữa tổng vốn vay tín dụng và giá trị tạo ra từ khách hàng là giá trị thanh toán, các dịch vụ khác. Để có nguồn lợi nhuận ngân hàng đa dạng hơn, nhà băng không thể dựa chủ yếu vào phần lớn lãi suất chênh lệch cho vay và tiền gửi. Đó là vấn đề hiện đã gặp phải 2024 và là thách thức của năm 2025 đối với ngành ngân hàng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật