spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChứng khoán Việt Nam 2025: "Sốt xình xịch" với làn sóng nâng...

Chứng khoán Việt Nam 2025: "Sốt xình xịch" với làn sóng nâng hạng?

Thị trường chờ đợi các thông tin liên quan đến giải ngân đầu tư công, sự phục hồi ngành bất động sản, chính sách lãi suất của Fed. Việc nâng hạng thị trường cũng có thể thúc đẩy làn sóng tăng trưởng.

4 thông tin đáng chú ý

Chia sẻ tại một chương trình gần đây, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) – nói trong tháng 12, thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng bởi 4 thông tin đáng chú ý.

Đầu tiên là công bố kết quả giải ngân năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Tính đến tháng 9, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch trong khi nhu cầu còn lớn. Ông Sơn cho rằng đầu tư công có vai trò rất lớn trong thúc đẩy kinh tế năm 2025 nên kế hoạch giải ngân được đưa ra rõ ràng tác động tích cực với thị trường nói chung và nhóm đầu tư công nói riêng.

Yếu tố thứ 2, theo ông Sơn, các biện pháp hỗ trợ ngành bất động sản có thể được thông qua. Ngành này trong 2 năm vừa qua gặp khó khăn, Chính phủ và cơ quan bộ, ngành đang nỗ lực tháo gỡ.

Nếu có những gói hỗ trợ về mặt dòng tiền, chính sách thì bất động sản qua đáy, giao dịch tăng nhanh và giá phục hồi rõ ràng. Hi vọng năm 2025 có thể giải quyết khó khăn để doanh nghiệp bất động sản yên tâm giải ngân và cung ứng hàng cho nền kinh tế.

Thứ 3, cuộc họp Fed giữa tháng 12, giới đầu tư kỳ vọng Fed giảm thêm 25 điểm cơ bản và công bố lộ trình lãi suất cho cả năm 2025. Quyết định của Fed ảnh hưởng rất nhiều thị trường tài chính toàn cầu, xu hướng lãi suất, giá cả các mặt hàng hóa, đặc biệt là xu hướng của USD.

Nếu Fed hạ lãi suất thì xu hướng USD có thể hạ nhiệt và giải quyết vấn đề tỷ giá lên các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Một thông tin nữa là ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức vào tháng 1/2025. Do vậy, càng gần cuối tháng 12, những câu chuyện liên quan đến ý định của ông Donald Trump về thuế càng được hé lộ, cùng những người mà ông đề cử rất quan trọng đối với thị trường.

Nhìn nhận về xu hướng thị trường hiện tại, chuyên gia VPBankS cho rằng VN-Index đang giao dịch quanh ngưỡng 1.280 -1.300 điểm. Lần nào VN-Index về 1.200 điểm đều kéo dòng tiền lớn chảy vào kéo chỉ số và giá tăng trở lại. Trong năm nay và năm sau, thị trường chứng khoán Việt Nam có một số câu chuyện như nâng hạng, giải ngân đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, các chính sách gỡ khó cho thị trường bất động sản tiếp tục được triển khai.

Thị trường chứng khoán kỳ vọng việc nâng hạng (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Kỳ vọng “sóng” nâng hạng thị trường

Nhìn lại lịch sử thị trường trong 20 năm qua, VN-Index tăng mạnh khi có câu chuyện lớn. Đơn cử như năm 2005-2027, con sóng Việt Nam gia nhập vào WTO – thu hút được 2-3 tỷ USD. Giai đoạn sóng thoái vốn Nhà nước (2016-2018) hút được lượng tiền lớn từ nước ngoài.

Giai đoạn 3 là giai đoạn gắn liền với tiền rẻ được gọi là sóng Covid (2020-2022). Chuyên gia VPBankS kỳ vọng sóng tăng thứ 4 sẽ gắn liền với câu chuyện tăng trưởng kinh tế và nâng hạng thị trường (2025 – 2026).

Ông Nhan Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Vietcap – cho biết trong kịch bản khả thi, việc nâng hạng theo kịch bản cơ sở được dự kiến sẽ diễn ra vào kỳ đánh giá chỉ số bán niên của FTSE vào tháng 9/2025.

Theo ông Tuấn, FTSE vẫn đang đánh giá quy trình xử lý các giao dịch Non Pre-Funding (mua cổ phiếu không phải ký quỹ) không thành công sau khi áp dụng việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ.

Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền để thanh toán vào 9h30 sáng ngày T+2, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh sẽ đứng ra thanh toán và sau đó bán lại cổ phiếu này cho nhà đầu tư vào ngày T+3.

Mặc dù đến nay chưa có giao dịch nào thất bại, FTSE vẫn cần thêm thời gian để đánh giá khả năng và mức độ sẵn sàng của công ty chứng khoán trong việc xử lý các giao dịch không thành công.

FTSE cũng đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế, dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc để nâng hạng lên Thị trường Mới nổi.

Các chủ đề quan trọng hiện đang được bàn bạc như thành lập Trung tâm Thanh toán bù trừ trung tâm; đơn giản hóa quy trình mở tài khoản; triển khai cơ chế tài khoản tổng; nâng cấp hệ thống hạ tầng giao dịch.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) – kỳ vọng trong tháng 3 sẽ có những ghi nhận và báo cáo, nhanh nhất đến tháng 9/2025 có thể được chính thức nâng hạng. Trong quá trình đó, lượng vốn ngoại lớn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trước từ 6 đến 8 tháng. 

“Nhà đầu tư có thể đang chờ đợi cú hích vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau để đón sóng tăng trưởng mới và giai đoạn này vẫn là giai đoạn xây nền để đón sóng tích cực.

Tôi kỳ vọng con sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ giúp VN-Index tăng lên vùng cao mới, mua ở vùng 1.200-1.240 điểm và cầm trung, dài hạn thì chắc chắn khả năng chốt lời ở vùng 1.400-1.500 điểm trở lên”, ông Sơn cho biết.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật