spot_img
22 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhIntel mắc kẹt trong giấc mơ chip Mỹ: Có thể phải từ...

Intel mắc kẹt trong giấc mơ chip Mỹ: Có thể phải từ bỏ xưởng đúc huyền thoại, hiện đang trong tầm ngắm thâu tóm của TSMC, Samsung

Việc Intel chia tay với CEO Pat Gelsinger liệu có nghĩa công ty này cũng sẽ từ bỏ tham vọng sản xuất chip theo hợp đồng?

Việc Intel chia tay với CEO Pat Gelsinger liệu có nghĩa công ty này cũng sẽ từ bỏ tham vọng sản xuất chip theo hợp đồng?

Gelsinger vốn được đưa trở lại Intel vào năm 2021 để đưa công ty này trở thành anh hùng chip Mỹ một lần nữa. Ba năm sau, ông rời đi với bảng cân đối kế toán đang cạn kiệt; một số cơ sở sản xuất khổng lồ chưa hoàn thiện và một doanh nghiệp đúc đứng giữa ngã ba đường.

Có dấu hiệu cho thấy Intel không còn cam kết theo đuổi chiến lược IDM 2.0 của Gelsinger. Chiến lược này từng được coi là lộ trình để biến Intel thành nhà thiết kế chip hàng đầu cũng như hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn có khả năng cạnh tranh với TSMC và Samsung.

Vivek Arya, một nhà phân tích chất bán dẫn tại Bank of America, cho biết: “Do chiến lược IDM 2.0 của Gelsinger cho đến nay vẫn chưa mang lại nhiều thành quả nên sự chuyển đổi này không hoàn toàn bất ngờ”.

“Có khả năng Intel sẽ cân nhắc việc tách bộ phận sản phẩm và bộ phận đúc chip. Điều này sẽ mang lại cho cả hai sự độc lập về mặt hoạt động và tài chính rất cần thiết”, ông nói thêm.

Theo chủ tịch hội đồng quản trị Intel, ưu tiên của công ty trong tương lai sẽ là thiết kế chip, song liệu điều đó có nghĩa là Intel sẽ từ bỏ giấc mơ đúc chip?

Vào tháng 11, Bộ Thương mại Mỹ hoàn tất khoản tài trợ 7,86 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS dành cho Intel. Điều này sẽ giúp Intel phần nào được giải tỏa, đồng thời theo kịp cam kết đầu tư 100 tỷ USD cho doanh nghiệp đúc của mình trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, số tiền này đi kèm với một số điều kiện nghiêm ngặt. Intel phải duy trì ít nhất 50,1% quyền sở hữu Intel Foundry, tức không thể trở thành cổ đông thiểu số chứ chưa nói đến việc bán đứt doanh nghiệp đúc. Việc chia tách và niêm yết công khai cũng sẽ khó khăn vì Đạo luật CHIPS hạn chế bất kỳ bên thứ ba nào sở hữu 35% hoặc nhiều hơn cổ phần của nhà máy đúc, trừ khi Intel vẫn là cổ đông lớn nhất.

Thách thức thực sự đối với Intel có lẽ là tìm được người mua.

Với việc Intel xây dựng các cơ sở sản xuất và đóng gói chất bán dẫn trị giá hàng tỷ USD tại Arizona, New Mexico, Ohio và Oregon, bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng cần có nguồn tài chính dồi dào và kinh nghiệm vận hành nhà máy sản xuất tiên tiến trên quy mô lớn. Không một nhà sản xuất chip của Mỹ nào phù hợp, bởi hầu hết các công ty trong nước đã chuyển sang hoạt động không có nhà máy. Intel là một trường hợp ngoại lệ trong việc duy trì hoạt động thiết kế chip và sản xuất tiên tiến.

Intel là công ty duy nhất của Mỹ có thể sản xuất chip tiên tiến quan trọng trên đất Mỹ. Hiện người mua tiềm năng, vừa có tiền, quy mô, vừa có kỹ năng và mối quan tâm, chỉ có TSMC và Samsung.

Trong khi Intel Foundry Service, đơn vị kinh doanh sản xuất chip, vẫn chưa tạo ra doanh thu đáng kể thì các dịch vụ đóng gói tiên tiến của đơn vị này lại thu hút được sự chú ý, đặc biệt là từ các công ty sản xuất chip AI.

Đóng gói chip tiên tiến nổi lên như một chiến trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chip toàn cầu hàng đầu, bao gồm TSMC, Intel và Samsung. Công nghệ xếp chồng và lắp ráp vô cùng cần thiết để nâng cao hiệu suất chip và cho phép tính toán AI mạnh mẽ, đặc biệt khi các phương pháp truyền thống giúp tăng mật độ bóng bán dẫn theo Định luật Moore trở nên khó khăn hơn.

“TSMC có vấn đề lớn về năng lực sản xuất”, Mike Orme, một nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu Anh GlobalData cho biết. “Hoạt động đóng gói của TSMC rất tốt, nhưng họ đã gặp phải vấn đề về năng lực sản xuất và vẫn chưa rõ vấn đề này đã được giải quyết hay chưa”.

Chính bởi lẽ đó, Intel Foundry Service có thể trở nên hấp dẫn đối với TSMC. Vào tháng 10, gã khổng lồ sản xuất chip theo hợp đồng công bố quan hệ đối tác với Amkor có trụ sở tại Arizona để đưa công nghệ đóng gói chip tiên tiến vào đất Mỹ. Tuy nhiên, Orme cho biết Washington khó có thể cho phép TSMC hoặc Samsung mua lại mảng kinh doanh đúc chip của Intel vì lý do an ninh quốc gia.

Trong khi đó, sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump có thể mang đến cho Intel cơ hội thoát khỏi tình thế khó khăn. Tổng thống đắc cử chỉ trích Đạo luật CHIPS, cho rằng thuế quan sẽ là cách hiệu quả hơn để thúc đẩy các nhà sản xuất chip sản xuất tại Mỹ. Nếu chính quyền Trump cải tổ đạo luật, có thể sẽ linh hoạt hơn cho khả năng chia tách giữa các thực thể khác nhau của Intel, Arya tại Bank of America cho biết.

Tuy nhiên, Orme cho biết tầm quan trọng chiến lược của nhà máy đúc Intel đối với an ninh quốc gia Mỹ. Mong muốn có một ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước đồng nghĩa với việc người mua nước ngoài sẽ bị cấm, bất kể ông Biden hay Trump nắm quyền.

“Không đời nào TSMC hoặc Samsung được phép đến gần Intel Foundry”, ông nói.

Trong khi số phận nhà máy đúc còn đang bỏ ngỏ, Intel phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, những người đã thất vọng vì giá cổ phiếu của công ty giảm gần 60% trong năm nay. Trên hết, công ty đã mất vị thế của mình trong Chỉ số công nghiệp Dow Jones sau 25 năm tăng trưởng.

Mảng kinh doanh đúc của Intel ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ USD vào năm 2023. Gelsinger trước đó cho biết công ty không mong đợi doanh thu tăng đáng kể cho đến năm 2027.

Tại hội nghị của UBS đầu tháng này, Dave Zinsner, giám đốc tài chính của Intel và đồng giám đốc điều hành tạm quyền mới được công bố, cho biết “chiến lược cốt lõi của công ty vẫn còn nguyên vẹn”.

“Chúng tôi vẫn muốn trở thành một xưởng đúc đẳng cấp thế giới. Chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp silicon tiên tiến nhất cho khách hàng ở phương Tây. Đó vẫn là mục tiêu của chúng tôi”, Zinsner cho biết.

Theo các chuyên gia, sự bất ổn tại Intel có thể mang lại động lực cho TSMC, vốn đã là công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất chip theo hợp đồng.

“Sự thay đổi lãnh đạo của Intel có thể dẫn đến sự không chắc chắn trong ngắn hạn về kế hoạch chi tiêu vốn của họ. Ít nhất, chúng tôi nghi ngờ Intel sẽ cam kết chi tiêu đáng kể bên ngoài nước Mỹ”, Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ Châu Á tại Macquarie Capital, cho biết, đồng thời nói thêm rằng nếu Intel tăng cường sự phụ thuộc vào dịch vụ gia công đúc, điều này sẽ là tín hiệu tích cực cho TSMC.

Theo: Nikkei Asia

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật