Ngày 12/12, tại Nhà máy VinFast ở Hải Phòng đã diễn ra buổi tọa đàm về chiến lược nội địa hóa ô tô VinFast, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và các nhà cung cấp phụ trợ.
VinFast nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 84% vào năm 2026
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc nhà máy VinFast nhấn mạnh, VinFast đang tập trung đẩy mạnh chiến lược nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe điện, với mục tiêu đạt mốc 84% vào năm 2026. Chiến lược này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam.
Theo ông Lê Ngọc Anh, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dù đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức như quy mô nhỏ lẻ, công nghệ và năng lực sản xuất hạn chế, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế cả về chất lượng lẫn giá cả, và sự kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu. Từ khi bắt đầu hoạt động năm 2017, VinFast đã tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước song song với sản xuất xe. Hơn 30% diện tích khu tổ hợp sản xuất đã được dành cho khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng.
Dây chuyền sản xuất xe điện VinFast được tự động hóa đến 90%. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN |
Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa trên các mẫu xe điện VinFast đạt hơn 60%, với các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe và giảm xóc. Đặc biệt, VinFast đã chủ động sản xuất nhiều cấu phần quan trọng tại các xưởng hiện đại, có mức độ tự động hóa trên 90%, được nhập khẩu từ Đức, Áo, Hàn Quốc, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế.
VinFast dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 60% lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất trong nước các chi tiết như ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh-lái, linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương… Đặc biệt, khi tự sản xuất được pin điện, linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện, VinFast sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 84%.
Để hiện thực hóa mục tiêu, VinFast hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm trong sản xuất phụ tùng, linh kiện và các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công. Đồng thời, VinFast hợp tác với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại.
VinFast hướng đến tự chủ sản xuất pin xe điện
Về sản xuất pin xe điện, VinFast đang triển khai chiến lược “3 chân kiềng”, bao gồm: mua pin từ các thương hiệu hàng đầu thế giới, hợp tác sản xuất và tự nghiên cứu, phát triển công nghệ pin. Trong lộ trình này, VinFast hợp tác với “thung lũng pin” lớn nhất thế giới là Trung Quốc để phát triển công nghệ pin xe điện tiên tiến.
Nhà máy Sản xuất Pin VinES có công suất 100.000 pack pin/năm |
Cùng với đó, vào tháng 12/2021, Vingroup đã khởi công nhà máy sản xuất Pin VinES tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đây là hoạt động quan trọng trong chiến lược tự chủ sản xuất pin, đảm bảo nguồn cung, đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế của VinFast.
Nhà máy sản xuất Pin VinES cung cấp pin Lithium dành cho các dòng xe bus điện và ô tô điện của VinFast. Giai đoạn 1, nhà máy sẽ đi vào xây dựng với quy mô 8ha với tổng số vốn đầu tư hơn 4000 tỷ đồng. Toàn bộ hạ tầng của nhà máy bao gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói sẽ được xây dựng đảm bảo công suất 100.000 pack pin/năm.
Đến tháng 11/2022, VinES, công ty con của Vingroup cũng hợp tác với Gotion High-Tech động thổ dự án nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng, trên diện tích 14ha, công suất thiết kế 5GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm.
Nhà máy này nằm ngay cạnh nhà máy sản xuất Pack Pin VinES, giúp hoàn thiện chu trình sản xuất khép kín pin LFP tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trên các dòng xe điện VinFast và mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành công nghiệp xe điện và năng lượng sạch của Việt Nam.
>>Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa xe máy điện VinFast phủ sóng tại 4 tỉnh, thành phố mới