Các nhà phân tích quốc tế cho biết giá cà phê tăng và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Một số người cảnh báo có thể mất nhiều năm để giá mặt hàng này lắng xuống.
Giá cà phê Arabica tương lai giao tháng 3 đạt mức 348,35 cent/pound vào ngày 10/12, mức cao nhất trong gần 50 năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá đã tăng tới 70%. Lần gần nhất giá hạt cà phê Arabica giao dịch ở mức cao như vậy là vào năm 1977, thời điểm tuyết phá huỷ các đồn điền cà phê lớn ở Brazil.
Nổi tiếng với hương vị êm dịu và ngọt ngào, hạt cà phê Arabica chiếm từ 60% đến 70% thị trường cà phê toàn cầu. Hạn hán, nhiệt độ cao cùng với sự phụ thuộc vào nguồn cung từ số ít khu vực khiến giá cà phê này tăng cao.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta tương lai cũng lập kỷ lục mới vào cuối tháng 11. Hạt cà phê Robusta nổi tiếng với hương vị đậm đà và đắng, thường được dùng trong các loại cà phê hòa tan.
Cà phê được coi là mặt hàng giao dịch nhiều thứ hai thế giới xét theo khối lượng, chỉ xếp sau dầu thô. Đợt tăng giá bất thường diễn ra trong bối cảnh lo ngại về vụ mùa năm 2025 tại Brazil. Đây là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Giám đốc chiến lược hàng hóa Ole Hansen tại Ngân hàng Saxo của Đan Mạch cho biết vào tháng 8 và tháng 9, Brazil đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm. Sau đó, một đợt mưa lớn diễn ra vào tháng 10 làm dấy lên lo ngại rằng vụ mùa tới sẽ thất thu.
Chuyên gia kinh tế trưởng về khí hậu và hàng hóa David Oxley tại Capital Economics cho biết giá cà phê chỉ giảm khi nguồn cung được cải thiện và lượng hàng dự trữ được bổ sung.
Ông Oxley cho biết: “Điều quan trọng là quá trình này có thể mất nhiều năm chứ không phải vài tháng”.
Là thức uống chính của hàng tỷ người trên khắp thế giới, nhu cầu về cà phê đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cung không theo kịp cầu. Trong khi đó, cà phê chỉ được trồng ở một số quốc gia nhiệt đới bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Ethiopia. Riêng Brazil và Việt Nam chiếm khoảng 56% sản lượng toàn cầu. Điều này khiến cà phê đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo CNBC