spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhPhó Thống đốc Đào Minh Tú: Mặt bằng lãi suất có nhiều...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới

Phó Thống đốc cho biết, năm 2024, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44% so với năm 2023.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới- Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHHN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 ngày 14/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm qua được thực hiện trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen: kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu.

Trong năm 2024 NHNN đã chủ động điều hành các công cụ của CSTT linh hoạt, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát 11 tháng năm 2024 được kiểm soát ở mức 3,69%, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng khá cao (6,82%).

Trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44% so với năm 2023. Theo Phó Thống đốc, đây là bước đi thể hiện sự chủ động của NHNN, phù hợp với diễn biến, tình hình trong và ngoài nước, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế – chính trị quốc tế khó lường, đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm và cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để hạn chế áp lực tỷ giá; công bố phương án bán ngoại tệ cho các TCTD để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho thị trường trong những giai đoạn áp lực lớn. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tâm lý thị trường được bình ổn, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt; mức mất giá của VND phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, NHNN đã phối hợp các Bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này. NHNN cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tiếp tục bổ sung, tu chỉnh và hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bên cạnh đó, NHNN đã đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng , thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, công khai.Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu, NHNN đã thực hiện 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5% so với cuối năm 2023 và tăng 16,51% so với cùng kỳ năm 2023. Theo quy luật có tính mùa vụ, tín dụng có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm đáp ứng nhu cầu vay vốn để thanh toán, giải ngân, mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng phục vụ thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu tích cực khởi sắc, tăng trưởng kinh tế duy trì phục hồi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là có khả năng đạt được.””- Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN đã quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các TCTD yếu kém. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được kết quả tích cực. 

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới . Nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo trong thời gian tới có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ như quan điểm chính sách khó lường từ Chính phủ mới của Mỹ. Lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích

Phó Thống đốc khẳng định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025, đó là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (đạt khoảng 6,5-7%) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ cho việc bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách, tinh gọn bộ máy, thủ tục hành chính; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số,… đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phức tạp, thách thức và thuận lợi đan xen, bám sát mục tiêu, định hướng của Đảng, Chính phủ, Phó Thống đốc nhấn mạnh, toàn ngành Ngân hàng tập trung hoàn thành thực hiện việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của NHNN theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục triển khai.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động ngân hàng. Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD; tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật