spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhPhó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: Các tổ...

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: Các tổ chức tín dụng đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong năm 2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục chủ động nâng cao năng lực về quản trị, tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chất lượng tín dụng…

Đồng thời, chủ động giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… giúp khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Trước khi phát biểu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng hoàn toàn nhất trí với Báo cáo đánh giá hoạt động năm 2024 của ngành Ngân hàng do Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú trình bày trước Hội nghị.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: Các tổ chức tín dụng đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huy Hoàng

Năng lực tài chính được tăng cường, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, năm 2024 nền kinh tế trong nước mặc dù đối mặt với khó khăn, thách thức, song dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thể hiện trên một số mặt, đó là:

Trong điều hành, NHNN chủ động trong phối hợp với chính sách tài khóa và một số chính sách khác để đưa ra các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và thực tế trong nước. Vì vậy, đến nay tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trên 12% so với cuối năm 2023, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng phục vụ sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận với với lãi suất hợp lý, tỷ giá ngoại tệ, vàng, tỷ lệ lạm phát có biến động song ở mức phù hợp với thực tiễn.

NHNN kịp thời đề xuất với Chính phủ ban hành các Nghị định, trực tiếp ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Các Nghị định, Thông tư ban hành đi vào cuộc sống phù hợp với thực tiễn không gây ách tắc trong quá trình triển khai.

Đối với hoạt động chuyển đổi số, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn, thông suốt trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế. Đặc biệt, sau gần 5 tháng triển khai đồng bộ các giải pháp thanh toán nhằm đảm bảo an toàn theo Quyết định 2345 của NHNN, hoạt động thanh toán diễn ra thông suốt, đến ngày 1/11/2024 đã có hơn 50 triệu tài khoản của khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học thành công, số vụ lừa đảo giảm 50% so với các tháng đầu năm.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động của các TCTD cũng đạt nhiều kết quả tích cực, điều đó được thể hiện qua nâng cao năng lực về quản trị, tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chất lượng tín dụng… tiếp tục được tăng cường. Đến nay, vốn điều lệ toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn so với cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ngưỡng 12,01%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30 %, tỷ lệ dư nợ trên tổng tiền gửi đạt khoảng 80%. Bên cạnh đó, các ngân hàng có vốn Nhà nước được tăng vốn điều lệ đủ để bảo đảm an toàn và đầu tư tín dụng cho nền kinh tế.

Các TCTD chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giải ngân vốn cho các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Trong năm qua, các TCTD cũng tập trung nguồn lực chuyển đổi số mạnh mẽ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với đó đã kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: Các tổ chức tín dụng đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng- Ảnh 2.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, ngành Ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức.

Đó là, các TCTD phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến áp lực vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng.

Các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ, lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi, đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn, mặc dù tỷ lệ phạm tội có giảm đối với tài khoản cá nhân, song xuất hiện lừa đảo thông qua tài khoản doanh nghiệp

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, các trường hợp thay đổi thông tin người đứng đầu, thay đổi tên, thành lập mới chi nhánh, phòng giao dịch, thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chi nhánh,… của các ngân hàng đã được NHNN chi nhánh gửi thông báo tới Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhưng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì thông tin này vẫn chưa được ghi nhận, cập nhật ảnh hưởng đến việc công bố thông tin của các TCTD.

Ngoài ra, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc do quy định pháp luật giữa các bộ, ban, ngành chưa thống nhất, nhất là nhà ở xã hội… cũng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng nói chung, các TCTD là hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói riêng.

Từ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh an toàn hiệu quả, đồng thời có chính sách hỗ trợ tăng trường xanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn ESG; sớm phê duyệt cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai sandbox, open API; đồng thời, xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế GTGT đối với hoạt động L/C từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD.

Đối với Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao, đề nghị xem xét rà soát Bộ Luật dân sự 2015, Luật Phá sản 2014 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, và cho phá sản với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, đề nghị sớm thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cập nhật các thông tin của ngân hàng thương mại vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng như phương hướng giải quyết kịp thời trong trường hợp chưa có công văn hướng dẫn các cơ quan đăng ký kinh doanh để đảm bảo hoạt động, giao dịch của các TCTD không bị ảnh hưởng.

Dù các dự báo cho thấy, năm 2025, ngành Ngân hàng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN, cùng với sự nỗ lực của các TCTD và sự đồng lòng sát cánh của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ ổn định vượt qua mọi khó khăn.

“Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, Hiệp hội còn có trách nhiệm đề nghị các tổ chức hội viên tuân thủ qui định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Thống đốc NHNN góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật