Khi ông Trump gia tăng đe dọa về thuế quan đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách vượt lên trước Tổng thống đắc cử bằng cách sử dụng các hạn chế riêng của mình và đưa Washington đến bàn đàm phán trước khi một cuộc chiến thương mại toàn diện bùng nổ.
Với những bài học từ cuộc chiến thương mại trước trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Trung Quốc đang tích lũy các “lá bài” để khởi động các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ mới về các vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ song phương, bao gồm thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ. Quốc gia này cũng lo ngại về tác động tiêu cực của các mức thuế bổ sung đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của mình.
Trong những động thái gần đây, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với tập đoàn chip Nvidia của Mỹ và áp lệnh cấm xuất khẩu các khoáng sản hiếm sang Mỹ.
Fred Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho biết, “Chúng ta cần xem đây như một lời đề nghị mở đầu trong một cuộc đàm phán với Mỹ, thay vì chỉ là việc áp thuế và rồi mọi người sẽ rời đi”.
Chuyên gia George Magnus từ Đại học Oxford nhận định Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các mức thuế, trừ khi có thông báo “Ngày tận thế” về việc áp mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đã chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực như xe điện và năng lượng xanh, và ít phụ thuộc vào các sản phẩm Mỹ như trước đây, sau khi tìm được các thay thế như máy bay Airbus và máy bay Comac C919 của chính mình.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại mới vẫn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc, bởi Washington có thể áp các mức thuế nhập khẩu cao hơn nữa và tách Trung Quốc ra khỏi các chuỗi cung ứng của mình.
Quốc gia này vẫn cần nhập khẩu các vật liệu chiến lược từ Mỹ như vi mạch tiên tiến và các thiết bị công nghệ cao khác và phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ để mua hàng hóa của mình, trong bối cảnh triển vọng thương mại toàn cầu ngày càng bi quan và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu.
Bắc Kinh đang tìm cách ngồi xuống đàm phán với ông Trump trước khi ông áp thêm các hạn chế xuất khẩu công nghệ và để đảm bảo gia hạn Hiệp định Khoa học và Công nghệ Mỹ – Trung. Hiệp định này, tạo điều kiện cho sự hợp tác khoa học giữa hai quốc gia, đã hết hạn vào tháng 8 và các cuộc đàm phán gia hạn khó có thể hoàn tất trước lễ nhậm chức của Trump vào ngày 20/1.
Mặc dù Huawei của Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khả năng sản xuất chip tiên tiến, tính khả thi thương mại của chúng vẫn chưa rõ ràng, bà nói thêm, khuyến khích các nhà đàm phán Trung Quốc ngồi xuống với đối tác Mỹ để đạt được thỏa thuận đảm bảo nguồn cung chip sản xuất tại Mỹ ổn định.
Nghệ thuật đàm phán
Hai năm sau thỏa thuận “Giai đoạn 1” kết thúc cuộc chiến thương mại ban đầu, Bắc Kinh đã có những “mồi nhử” mới để thu hút Mỹ. Chẳng hạn, Trung Quốc đang cân nhắc tăng cường mua dầu và khí đốt hóa lỏng từ Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ hiện đang sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ.
Ông Bo Zhengyuan, đối tác tại công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định rằng điều này sẽ hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Trump với khẩu hiệu “Khoan, khoan, khoan”.
Trong bối cảnh các hạn chế xuất khẩu chip ngày càng chặt chẽ, các mặt hàng như nông sản, hàng hóa và năng lượng có thể là những sản phẩm duy nhất mà Mỹ vẫn có thể bán cho Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng tham gia và trao đổi với các đội ngũ kinh tế và thương mại của chính quyền Trump.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có những “gậy” để đe dọa Washington nếu Mỹ cảm thấy Trung Quốc không thực hiện các cam kết mua hàng trước đó. Các công ty Mỹ đang phải chịu áp lực lớn, theo ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc.
Ông Hart cho biết các doanh nghiệp đang lo ngại về khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và khả năng bị áp đặt lệnh cấm hoàn toàn.
Một khảo sát của chi nhánh Thượng Hải của Phòng Thương mại Mỹ vào tháng 9 cho thấy tâm lý kinh doanh của các công ty Mỹ tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Các yếu tố phi kinh tế cũng đang tác động mạnh mẽ. Ông Trump đã cam kết áp thêm thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải siết chặt việc kiểm soát dòng chảy fentanyl vào Mỹ. Chuyên gia Neumann của HSBC nhận định rằng việc sử dụng lý do chính trị để áp đặt các hạn chế thương mại sẽ khiến những căng thẳng trở nên khó giải quyết hơn.
Các mức thuế đối với fentanyl cũng phản ánh các hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc đối với các đối tác thương mại không làm vừa lòng Bắc Kinh về các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, Đài Loan và Biển Đông. Như ông Magnus nhận xét, đây là cách Trung Quốc học cách gây áp lực, và Mỹ sẽ coi đó như một “cái tát vào mặt”.
Theo Reuters