spot_img
14 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpNghệ thuật làm deal của KIDO: Bán riêng “phần hồn và phần...

Nghệ thuật làm deal của KIDO: Bán riêng “phần hồn và phần xác”, từng thu về cả nghìn tỷ từ bán thương hiệu

Trong 2 thương vụ bán mảng bánh kẹo 10 năm trước và bán công ty kem mới đây, KIDO đều tách riêng việc bán cổ phần với bán thương hiệu.

Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) vừa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra ngày 25/1/2025. Tại đây, Kido dự kiến trình bày về KQKD năm 2024, song song lấy ý kiến bổ sung việc bán cổ phần tại Kido Foods (KDF) cùng các tờ trình cổ đông về vấn đề thương hiệu KIDO, nhãn hiệu Celano và Merino do Tập đoàn đang sở hữu và quản lý.

Kido đã nhận lại quyền sở hữu thương hiệu Celano từ cuối năm 2023

Vào tháng 9/2024, Nutifood đã công bố trở thành công ty mẹ của Kido Foods sau khi hoàn tất mua lại 51% vốn của doanh nghiệp này. Kido Foods được biết đến là doanh nghiệp sản xuất và phân phối 2 thương hiệu kem Merino và Celano có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2023, KIDO Group đã chuyển nhượng 24% vốn của KIDO Foods, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 49%, qua đó không còn nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp này. Giá trị chuyển nhượng là 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng (200 triệu USD).

Dù tỷ lệ sở hữu không còn chi phối, song theo đại diện KIDO cho biết thương hiệu Merino và Celano là thương hiệu do Tập đoàn sở hữu. Thực tế, Kido vừa nhận lại quyền sở hữu thương hiệu Celano từ Kido Foods vào tháng 12/2023.

Như vậy có thể thấy KIDO đã tách riêng phần hữu hình (công ty KIDO Foods, bao gồm nhà xưởng, hệ thống phân phối) và phần vô hình (thương hiệu Celano, Merino mà KIDO Foods kinh doanh) trong thương vụ thoái vốn khỏi KIDO Foods.

Điều này gợi nhớ lại thương vụ KIDO bán mảng bánh kẹo năm 2014 cho đối tác ngoại. Lúc bấy giờ, bên cạnh việc mua cổ phần mảng bánh kẹo, đối tác là Mondelez International thực tế đã phải chi thêm số tiền hàng ngàn tỷ đồng để mua các thương hiệu.

Góc nhìn từ một thương vụ M&A quá khứ

Điểm lại, ngày 1/12/2014, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Kinh Đô (nay là KIDO Group) đã thông qua phương án chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelez International, một trong những tập đoàn bánh kẹo lớn nhất thế giới. Tổng giá trị chuyển nhượng trước thuế là 9.809 tỷ đồng (tương đương 450 triệu USD theo tỷ giá khi đó).

Trong khi đó, báo cáo của bên mua lại cho thấy họ đã chi ra tới 12.400 tỷ đồng (tương đương 569 triệu USD) để mua lại “một mảng hoạt động kinh doanh bánh kẹo tại Việt Nam”.

Con số này cao hơn gần 2.600 tỷ đồng so với số tiền mà Kido nhận được. Tìm hiểu các điều khoản theo báo cáo từ Mondelez, số tiền chênh lệch này đã được chi trả để mua thương hiệu và một số điều khoản kèm theo.

Cụ thể, báo cáo từ Mondelez cho biết con số 12.404 tỷ đồng là toàn bộ số tiền mà tập đoàn này đã chi trả cho việc mua lại hoạt động kinh doanh bánh kẹo, tài sản sở hữu trí tuệ, chi trả cho các thỏa thuận chống cạnh tranh và tư vấn (non-compete and consulting agreements) cũng như các khoản điều chỉnh khác.

Mặt khác, một trong những tài sản sở hữu trí tuệ quan trọng nhất trong thương vụ này là quyền sử dụng thương hiệu Kinh Đô – vốn là một tài sản do công ty TNHH Đầu tư Kido (Kido Invest) nắm giữ. Trước đây, hàng năm Kinh Đô và các công ty liên quan trong mảng bánh kẹo vẫn phải trả phí cho Kido Invest để được quyền sử dụng nhãn hiệu Kinh Đô.

Như vậy, trong thương vụ Mondelez mua lại toàn bộ mảng bánh kẹo của Kinh Đô, bên cạnh Kido Group thì Kido Invest nhiều khả năng cũng nhận được khoản tiền đáng kể liên quan đến thương hiệu Kinh Đô.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật