Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Ý Gilberto Pichetto Fratin cho biết nước này không loại trừ trường hợp tiếp tục nhập khẩu khí đốt Nga khi mâu thuẫn ở Ukraine kết thúc. Ngoài ra, ông cũng nói thêm rằng Ý đang rất muốn giảm chi phí năng lượng và việc dỡ bỏ các lệnh cấm sản xuất điện hạt nhân có thể giúp giảm áp lực với các doanh nghiệp, hộ gia đình.
Trước khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra, Ý phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga, đã nhập khẩu gần 40% lượng khí đốt tiêu thụ từ Moscow, tương đương 29 tỷ mét khối. Ý là khách hàng lớn thứ 2 của Nga ở EU, chỉ đứng sau Đức. Tại quốc gia này, khí đốt tự nhiên không chỉ sử dụng nhiều với mục đích sưởi ấm mà còn để phát điện.
Giống nhiều quốc gia thành viên EU khác, Ý đã thực hiện những bước đi quan trọng để giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Song, dù trên lý thuyết, dường như quốc gia này đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga được vận chuyển qua đường ống, song vẫn tiếp tục nhận lượng lớn từ đường ống đi qua Áo. Áo đã tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống từ 80% lên 98% trong 2 năm qua.
Hồi đầu năm nay, EC đã ký thỏa thuận nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan. Song, một số bộ phận cơ sở hạ tầng quan trọng cần thiết để vận chuyển lượng khí đốt này đến EU vẫn thuộc sở hữu của Lukoil, công ty năng lượng của Nga có tên trong danh sách trừng phạt. Để đáp ứng nhu cầu khí đốt tăng cao của EU, Azerbaijan đã ký thỏa thuận với Nga để tăng lượng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước của Azerbaijan.
Về phía Ý, hồi tháng 8, nước này đã đạt được thoả thuận nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên qua đường ống Địa Trung Hải từ Algeria để giảm sự phụ thuộc vào Nga. Algeria cung cấp khoảng 21 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống xuyên Địa Trung Hải. Theo thoả thuận giữ 2 tập đoàn năng lượng của 2 nước là ENI và Sonatrach, Algeria sẽ cung cấp thêm 9 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống này.
Do thiếu khí đốt từ Nga, giá điện tại Ý đã đạt mức cao kỷ lục và cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác của châu Âu. Đầu năm nay, giá điện của Ý cao hơn gần 40% so với giá ở Pháp và 60% so với giá bán buôn ở Tây Ban Nha. Mức chênh lệch cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến các bên tiêu thụ điện lớn của Ý, đặc biệt là các ngành công nghiệp và sản xuất lớn.
Tham khảo Reuters; Tass