Ngày 13/12, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Thái Bình, ngày 10/11, đơn vị đã ban hành 12 Quyết định cưỡng chế đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen.
Theo đó, số tiền bị cưỡng chế gần 219,4 tỷ đồng, bằng khoảng 70% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng. Hiệu lực từ ngày 10/12/2024 đến ngày 8/1/2025.
Tập đoàn Hương Sen là một tập đoàn kinh doanh đa ngành tại tỉnh Thái Bình. Trụ sở chính của doanh nghiệp tại số 18, phố Trần Thái Tông, phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Trần Văn Sen, sinh năm 1940.
Tháng 7/2023, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 233 tỷ lên 315 tỷ đồng và không công khai danh sách cổ đông.
Theo đăng ký doanh nghiệp ngày 13/10/2017, Công ty có 8 cổ đông sáng lập nắm 100% vốn của doanh nghiệp. Trong đó, ông Trần Văn Sen góp 95,53 tỷ đồng, chiếm 41%; bà Lê Thị Báp góp 46,6 tỷ đồng, chiếm 20% và 6 cổ đông còn lại mỗi người chiếm 6,5% vốn của Tập đoàn Hương Sen.
Theo giới thiệu trên website , từ năm 1981 – 1988, tiền thân của Tập đoàn Hương Sen là Tổ hợp Dệt nhuộm cao cấp Tân Phương, tại Hưng Hà, Thái Bình. Là đơn vị có công trong việc làm sống lại nghề dệt có từ thời nhà Trần và là cơ sở cho hàng trăm công ty dệt trong và ngoài tỉnh.
Sau đó, từ 1988 – 1991, doanh nghiệp đổi tên thành Xí nghiệp Dệt nhuộm Hưng Hà rồi từ 1991 – 1998, tiếp tục đổi thành Công ty Dệt nhuộm in hoa Hương Sen. Năm 1998, Công ty lại đổi thành Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen.
Đến năm 2009, Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen hoạt động trong các lĩnh vực bia rượu, nước giải khát , bất động sản, dệt may, bao bì, kinh doanh nhà hàng khách sạn và đầu tư các khu công nghiệp.
Một số thương hiệu của Tập đoàn Hương Sen là trà TVT, sữa gạo Bibabibo, bia Đại Việt, rượu Lạc Hồng, …
Theo An ninh tiền tệ, Tập đoàn Hương Sen từng liên tục nợ thuế hàng trăm tỷ đồng trong các năm 2010, 2011, 2012. Số tiền nợ thuế trong các năm 2011, 2012 lên tới 451 tỷ đồng.
Theo thông tin trên báo Dân trí, thời điểm năm 1999, công ty bia Hương Sen (thuộc Tập đoàn Hương Sen) là con nợ lớn nhất trong các doanh nghiệp vay tại Vietinbank Thái Bình, với dư nợ trên 87 tỷ đồng. Nhà máy bia hiện đại, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nợ gốc quá hạn, nợ lãi treo ra ngoại bảng mỗi ngày một phình to. Lúc đó, chủ nhà máy liên tục dùng các kênh quan hệ để xin Vietinbank cho vay thêm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình lúc đó cũng phải lặn lội vào Nam làm việc với Bia Sài Gòn để tìm đầu ra cho Nhà máy Bia Hương Sen và “giải nguy” cho Tập đoàn Hương Sen.