Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nga tiếp tục tăng dù ngân hàng trung ương đã nhiều lần tăng lãi suất nhằm kiềm chế giá cả. Vào tháng 11, CPI đạt 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 8,5% của tháng 10. Lạm phát chủ yếu do giá thực phẩm thúc đẩy.
Trong cuộc họp gần nhất vào tháng 10, ngân hàng trung ương Nga (CBR) tăng lãi suất 200 điểm cơ bản, cảnh báo rằng lạm phát đang “cao hơn đáng kể” so với dự báo vào mùa hè và dự đoán còn tiếp tục tăng.
“Tăng trưởng nhu cầu nội địa đang vượt xa khả năng mở rộng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ”, CBR cho biết trong một tuyên bố.
Người tiêu dùng Nga bị ảnh hưởng vì giá các loại thực phẩm cơ bản như bơ, trứng, dầu hướng dương và rau quả tăng hai chữ số. Nguồn cung không đáp ứng nổi nhu cầu.
Cuộc xung đột của Nga với Ukraine cũng gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và nguồn cung, đẩy tiền lương và chi phí sản xuất tăng cao. Mức phí này cuối cùng ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, Nga cho rằng chi phí sinh hoạt cao là do các lệnh trừng phạt mà các quốc gia “không thân thiện” áp đặt.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Nga sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% vào năm 2024 sau đó chậm lại vào năm 2025. IMF cho biết sự suy thoái là do tiêu dùng và đầu tư chậm lại, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và tăng trưởng tiền lương chậm hơn.
Đồng rúp yếu cũng đã thúc đẩy lạm phát, nâng chi phí nhập khẩu vào Nga tăng cao. Đồng rúp cũng đang chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Đồng tiền này giảm 114 rúp đổi 1 USD trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Đồng tiền của Nga giảm sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào ngân hàng lớn thứ ba của Nga là Gazprombank.
Ngân hàng trung ương đã phải can thiệp để ngăn đà giảm của đồng rúp. CBR cho biết sẽ tạm ngừng mua ngoại tệ để giảm áp lực lên thị trường hối đoái. Tổng thống Putin sau đó đã lên tiếng, nhấn mạnh rằng tình hình đang được kiểm soát.
Đồng rúp đã mạnh lên trong những tuần gần đây nhưng vẫn giảm khoảng 3% so với USD trong tháng qua. Theo các nhà phân tích Alexandra Prokopenko và Alexander Kolyandr, ngân hàng trung ương Nga không thể làm gì nhiều để giải quyết lạm phát và ngăn đồng rúp suy yếu vì xung đột và các lệnh trừng phạt vẫn diễn ra.
Các nhà kinh tế hiện dự đoán CBR sẽ tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 20/12, đưa lãi suất lên 23%. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán mức tăng lớn hơn.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Liam Peach tại Capital Economics cho biết lạm phát tăng tốc là lý do khiến ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh tay thêm lần nữa. Ông nói thêm rằng giá cả sẽ tiếp tục tăng và lạm phát có khả năng leo thang trên mức 9% vào cuối năm 2025.
Theo CNBC