Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố Đà Nẵng vừa công bố kết quả giám sát về “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” do UBND Thành phố Đà Nẵng xây dựng.
Theo dự thảo Đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong 3 trung tâm lớn của Việt Nam về thiết kế vi mạch, bán dẫn, và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thành phố cũng hướng tới việc hình thành một mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực này, gắn liền với phát triển một hệ sinh thái đồng bộ về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại địa phương.
Đề án đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tối thiểu từ 35%-40% GRDP của thành phố.
Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tối thiểu từ 35% đến 40% GRDP của thành phố. Ảnh: baodautu.vn |
>> FPT tuyển sinh khoảng 1.500 sinh viên, làm ‘bệ phóng’ chinh phục ngành bán dẫn
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố cho biết, dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng lên tối thiểu 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn và cung cấp dịch vụ thiết kế; thu hút ít nhất từ 1 đến 2 doanh nghiệp đóng gói và kiểm thử; đồng thời ươm tạo thành công ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn để tăng tốc phát triển.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND Thành phố, hiện tại Đà Nẵng đã có 13 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn. Do đó, đơn vị này đề nghị UBND Thành phố cần rà soát, đánh giá kỹ hơn các chỉ tiêu đặt ra đến năm 2030, đồng thời căn cứ vào bối cảnh chung toàn cầu, quốc gia và tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng các mục tiêu về số lượng và chất lượng doanh nghiệp phù hợp, đặc biệt cần xác định rõ định hướng phát triển doanh nghiệp, cũng như giá trị đóng góp của lĩnh vực này vào tăng trưởng kinh tế của thành phố trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 4 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Ngoài ra, thành phố còn thu hút thêm một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hệ thống và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo Expat Insider 2022 của tổ chức InterNations, Việt Nam xếp hạng 7 trong danh sách 52 quốc gia lý tưởng nhất cho người nước ngoài sinh sống, trong đó Đà Nẵng là một trong những lựa chọn hàng đầu. Trước đó, vào năm 2018, tạp chí du lịch Live and Invest Overseas cũng đã vinh danh Đà Nẵng là một trong 10 địa điểm đáng sống nhất thế giới.
>> FPT ‘hiến kế’ để hiện thực hoá giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam