Dầu giảm 1%
Giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần do lo ngại về nhu cầu sau khi Đức và Trung Quốc công bố tin tức kinh tế tiêu cực, trong khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent kỳ hạn tương lai giảm 72 cent, tương đương 1,0%, xuống 73,19 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 63 cent, tương đương 0,9%, đóng cửa ở mức 70,08 USD.
Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với Brent kể từ ngày 10 tháng 12 và kéo giảm mức chênh lệch giá giữa Brent và WTI xuống mức thấp nhất trong 12 tuần, là 3,54 USD/thùng, dựa trên các hợp đồng kỳ hạn tháng 2.
Vàng giảm
Giá vàng giảm vào thứ Ba dưới áp lực từ đồng USD Mỹ mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng khi các nhà đầu tư tập trung vào cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang với kỳ vọng ngày càng tăng về tốc độ cắt giảm lãi suất dần dần vào năm 2025.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 2.647,81 USD một ounce. Hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 2/2025 giảm 0,3% xuống còn 2.662 USD.
Đồng USD tăng 0,1%, khiến vàng đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động gần mức cao nhất trong bốn tuần ngay từ đầu phiên và kéo dài đến cuối phiên, trước cuộc họp của Fed, nơi dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào thứ Tư.
Quặng sắt dao động trong biên độ hẹp
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai biến động trong biên độ hẹp vào thứ Ba, khi thị trường cân nhắc tác động từ việc lượng quặng xuất khẩu chậm lại so với việc nhu cầu ảm đạm và lượng hàng tồn kho cao tại cảng của quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch tăng nhẹ 0,25% lên 798 nhân dân tệ (109,56 USD)/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn Singapore tăng 0,24% lên 105 USD/tấn.
“Giá quặng có khả năng dao động trong khoảng 770-820 nhân dân tệ một tấn trong thời gian tới”, Zhuo Guiqiu, nhà phân tích của công ty Jinrui Futures cho biết.
Đồng giảm xuống mức thấp nhất hai tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần vào thứ Ba, với tâm lý bị chi phối bởi đồng USD mạnh lên và lo ngại về nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới, Trung Quốc, một phần do sự không chắc chắn về thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,8% xuống còn 8.988 USD/tấn vào cuối phiên, trước đó đã chạm mức 8.964 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 12.
Nhu cầu đồng ở Trung Quốc vốn đã ảm đạm nay dự kiến sẽ chịu thêm áp lực nếu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu, điều này có thể gây ra chiến tranh thương mại và kìm hãm tăng trưởng.
Cao su giảm do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc yếu
Hợp đồng cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản giảm vào thứ Ba, do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc giảm mặc dù lo ngại sản lượng toàn cầu bị gián đoạn.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) giảm 1,9 yên, hay 0,51%, đóng cửa ở mức 371,0 yên (2,41 USD).
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đóng cửa giảm 145 nhân dân tệ, hay 0,79%, xuống 18.320 nhân dân tệ (2.515,10 USD)/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE giảm 0,7% xuống còn 3,2495 USD/lb, giảm xa hơn so với mức cao kỷ lục của tuần trước là 3,4835 USD.
Cà phê Robusta giảm 0,7% xuống còn 5.168 USD/tấn.
Bông thấp gần 1 tháng
Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn ICE của Mỹ giảm vào thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần một tháng do đồng USD mạnh và tác động tiêu cực từ khi tâm lý bi quan trên thị trường ngũ cốc và dầu thô.
Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 3 giảm 0,46 cent, hay 0,67%, xuống còn 68,6 cent/lb, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21 tháng 11.
Đậu tương giảm
Giá đậu tương phiên thứ Ba giảm do điều kiện mùa màng thuận lợi ở Brazil và nhu cầu yếu từ phía Trung Quốc. Giá lúa mì trên sàn này cũng giảm do giá lúa mì trên toàn thế giới giảm, trong khi ngô cũng giảm do ảnh hưởng lan tỏa từ lúa mì và đậu tương.
Kết thúc phiên, giá đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) giảm 5-1/4 US cent xuống còn 9,76-3/4 USD/bushel, trên biểu đồ giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10.
Lúa mì Mỹ cũng giảm 5 US cent xuống còn 5,45 USD/bushel. Giá lúa mì quốc tế suy yếu, đặc biệt là ở Argentina và Úc, đã cân bằng lại các báo cáo về giá tăng và lượng hàng hóa xuất khẩu chậm lại ở Nga, các thương nhân cho biết.
Ngô kết thúc phiên giảm 1-1/2 cent xuống còn 4,43-1/2 USD/bushel do sự suy yếu lan tỏa từ giá đậu tương và lúa mì kỳ hạn tương lai cũng như thời tiết thuận lợi ở Nam Mỹ.
Đường giảm 4%
Giá đường thô kỳ hạn tương lai trên ICE giảm mạnh vào thứ Ba trong bối cảnh doanh số bán hàng từ các nhà sản xuất Brazil tăng khi họ tận dụng đồng nội tệ yếu và triển vọng nguồn cung dồi dào.
Đường thô giảm 0,84 cent, hay 4,1%, xuống19,84 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tháng là 19,76 cent.
Đồng tiền Brazil đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào buổi sáng trong bối cảnh lo ngại về tình hình tài chính của đất nước và những nỗ lực không thành công của ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ đồng tiền này.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 2,7% xuống còn 515 USD/tấn.
Dầu cọ giảm phiên thứ ba liên tiếp
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai giảm phiên thứ ba liên tiếp do nhu cầu yếu từ các thị trường đích chính.
Hợp đồng dầu cọ trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 34 ringgit, tương đương 0,71%, xuống còn 4.724 ringgit (1.058,01 USD)/tấn lúc đóng cửa.
Dầu cọ kỳ hạn tương lai chịu áp lực do giá dầu đậu tương trên sàn Chicago giảm và thiếu vắng nhu cầu mới từ các thị trường chủ chốt như Ấn Độ.
Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động tích cực nhất của sàn Đại Liên cũng giảm 0,23%, trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn Đại Liên giảm 1,2%. Riêng giá dầu đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago tăng 0,07%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 18/12: