Trong Dự thảo báo cáo tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Bộ Xây dựng cho biết về tình hình kinh doanh sản xuất của các công ty thuộc Bộ. Doanh thu ước đạt trên 52.200 tỷ đồng, bằng 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ở mức khoảng 652 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đã đề ra.
Trong số này, 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng gồm Viglacera, Hancorp, Lilama, HUD, Coma đều có lãi và vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Riêng tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục lỗ đậm, dù đã giảm lỗ so với kế hoạch.
Vicem trong năm 2024 là công ty duy nhất của Bộ Xây dựng báo lỗ. Cụ thể, lợi nhuận công ty mẹ của Vicem âm 236,8 tỷ đồng và lỗ hợp nhất 1.400 tỷ do thị trường kém khả quan. Dù vậy, kết quả này vẫn lần lượt thấp hơn kế hoạch của Vicem 59,6 tỷ và 177,5 tỷ đồng.
Đây là năm lỗ thứ hai liên tiếp của ông lớn ngành xi măng Việt Nam. Năm ngoái, Vicem lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 1.129 tỷ đồng do nhu cầu giảm mạnh kể từ khi công bố thông tin năm 2016. Đến hết năm 2023, công ty lỗ luỹ kế khoảng 2.240 tỷ.
Vicem đã có tuổi đời 45 năm, quản lý 10 nhà máy trên cả nước với 16 dây chuyền sản xuất, công suất 20 triệu tấn clinker và 27 triệu tấn xi măng mỗi năm. Hệ sinh thái nổi tiếng với các thương hiệu xi măng Hà Tiên, Hải Phòng, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hoàng Mai…
Viglacera là doanh nghiệp lãi lớn nhất trong các công ty thuộc Bộ Xây dựng. Theo đó, công ty có lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.500 tỷ đồng, rong đó công ty mẹ đóng góp 1.400 tỷ đồng.
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, Viglacera ghi nhận doanh thu đạt 8.185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 909 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng trong quý 4/2024, công ty này ghi nhận lợi nhuận gần 600 tỷ đồng, gấp 46 lần so với con số chỉ 13 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Viglacera được thành lập vào ngày 25/7/1974, khởi đầu là một doanh nghiệp sản xuất gạch ngói đất sét nung và sành sứ xây dựng thủ công. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, Viglacera đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và đầu tư bất động sản.
Lĩnh vực bất động sản của Viglacera bắt đầu từ năm 1998, và sau 26 năm phát triển, doanh nghiệp này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hiện tại, doanh nghiệp sở hữu 15 khu công nghiệp trong và ngoài nước với tổng diện tích hơn 4.000ha, thu hút vốn đầu tư lên tới 18 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 70%.
Hiện Bộ Xây dựng đang sở hữu 38,6% vốn của Viglacera. Cổ đông lớn nhất là CTCP Hạ tầng Gelex nắm 50,21%. Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch thoái vốn.