spot_img
9 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhĐằng sau sự im lặng của Tổng thống Putin và câu hỏi...

Đằng sau sự im lặng của Tổng thống Putin và câu hỏi về tương lai Nga ở Syria

Trong một cuộc họp trên truyền hình kéo dài 1 tiếng với giới lãnh đạo quân sự, Tổng thống Vladimir Putin không hề đề cập đến Syria và khẳng định việc giành chiến thắng ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu của ông.

Đằng sau sự im lặng của Tổng thống Putin

Ngày 16/12, Tổng thống Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp thường niên gồm các quan chức quân sự cấp cao của Nga được truyền hình trực tiếp. Họ đã thảo luận về NATO, Ukraine và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, có một chủ đề không được nhắc đến: Syria.

Tổng thống Putin vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria hơn 1 tuần trước, ngay cả khi Nga đang vật lộn để cứu vãn ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Sự im lặng này cho thấy tương lai không chắc chắn của các căn cứ quân sự Nga tại Syria và ưu tiên hàng đầu đối với Điện Kremlin hiện nay là cuộc xung đột ở Ukraine.

Đằng sau sự im lặng của Tổng thống Putin và câu hỏi về tương lai Nga ở Syria- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov tham dự cuộc họp mở rộng của Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia ở Moscow, Nga ngày 16/12/2024. Ảnh: Reuters

Anton Mardasov, một nhà phân tích quân sự tại Moscow chuyên nghiên cứu về Trung Đông cho biết, sự sụp đổ của chính quyền ông Assad là một chủ đề đau đầu hiện nay ở Moscow.

“Tốt hơn là không nên nói gì cả”, ông Anton Mardasov nhận định.

Tình hình hiện nay đã rất khác so với một năm trước khi ông Sergei Shoigu, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, tuyên bố tại cuộc họp thường niên rằng quân đội Nga vẫn được triển khai ở cả Syria và Nagorno-Karabakh.

“Các nhóm lực lượng của Nga vẫn là xương sống và sự đảm bảo chính cho hòa bình ở Syria và Karabakh”, ông Shoigu nói vào thời điểm đó.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã rút khỏi Nagorno-Karabakh vào tháng 5, một dấu hiệu cho thấy Nga đã mất ảnh hưởng ở khu vực Kavkaz, nơi từng là một phần của Liên Xô.

Hiện nay, việc ông Assad bị lật đổ có thể trở thành một bước lùi lớn hơn đối với những nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm khôi phục vị thế của Nga là một cường quốc thế giới. Ông Mardasov cho biết kịch bản tốt nhất với Nga là thu hẹp quy mô hiện diện quân sự tại căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở Địa Trung Hải. Điều đó có thể cho phép Moscow duy trì một điểm tiếp nhiên liệu và trung chuyển cho hoạt động quân sự hạn chế ở đây và ở châu Phi.

Tuy nhiên, kịch bản đó không thực hiện được mục tiêu rộng lớn trước đó của Điện Kremlin là thể hiện sức mạnh của Nga ngay trước ngưỡng cửa NATO. Các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện từ Syria vào năm 2021 – một dấu hiệu cho thấy Moscow coi sự hiện diện quân sự tại quốc gia này là thành trì nếu xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu với phương Tây.

Ông Mardasov cho biết, hiện nay tình hình an ninh ở Syria có khả năng vẫn rất mong manh, đến mức Nga sẽ không thể triển khai vũ khí có khả năng hạt nhân ở đó, ngay cả khi đạt được thỏa thuận giữ lại các căn cứ của mình. Theo chuyên gia này: “Những tiền đồn đe dọa sườn phía Nam của NATO đã mất 100%. Ngay cả khi họ cố gắng duy trì sự hiện diện thì điều đó cũng chỉ mang tính biểu tượng”.

Đối với Tổng thống Putin, kết quả cuộc xung đột ở Ukraine hiện đã trở thành yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến an ninh tương lai của Nga. Trong cuộc xung đột đó, Nga tin rằng họ đang giành chiến thắng, cả trên chiến trường và trong thế đối đầu với phương Tây, giữa bối cảnh các chính trị gia hoài nghi về việc ủng hộ Ukraine và Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp lên nắm quyền.

Chính phủ Đức, một trong những nước ủng hộ Ukraine lớn nhất, đã sụp đổ vào 16/12 và chi phí chiến tranh là một trong những vấn đề có khả năng chi phối chiến dịch bầu cử sắp tới. Ngày 19/12, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên dự kiến sẽ gặp nhau tại Brussels để thảo luận về con đường phía trước cho Ukraine.

Câu hỏi về tương lai của Nga

Tại Syria, Nga dường như đã thu hẹp sự hiện diện của mình trong những ngày gần đây với các đoàn xe chở quân đồn trú trên khắp đất nước, được nhìn thấy đã rút về các căn cứ Hmeimim và Tartus. Các hình ảnh vệ tinh tuần trước cho thấy thiết bị quân sự của Nga đang được đóng gói để đưa lên các máy bay vận tải.

Các quan chức Nga đã tìm cách hợp tác với Hayat Tahrir al-Sham, nhóm Hồi giáo bảo thủ lãnh đạo cuộc tấn công của lực lượng đối lập lật đổ ông Assad. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 16/12 rằng “chưa có quyết định cuối cùng” về tương lai hiện diện quân sự của Nga ở Syria.

“Chúng tôi đang liên lạc với đại diện của các thế lực đang kiểm soát tình hình ở quốc gia này. Tất cả những điều đó sẽ được quyết định trong quá trình đối thoại”, ông Peskov cho hay.

Chỉ vài giờ trước khi chính quyền ông Assad sụp đổ hôm 8/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vẫn mô tả quân nổi dậy Syria là “những kẻ khủng bố”. Trong một dấu hiệu cho thấy hy vọng của Nga về sự xích lại gần nhau, người đứng đầu Chechnya thuộc Nga Ramzan Kadyrov cho rằng Hayat Tahrir al-Sham nên được đưa ra khỏi danh sách khủng bố của Nga. Ông Ramzan Kadyrov, người đứng đầu Chechnya với đa số người dân theo đạo Hồi ở Nga cũng khẳng định, chính quyền Chechnya sẵn sàng tham gia tuần tra chung “với các cơ quan thực thi pháp luật của Syria”.

Tuy nhiên, hiện không rõ liệu chính sách ngoại giao của Moscow có đủ để cho phép Nga duy trì sự hiện diện quân sự không. Một số quan chức Liên minh châu Âu cho biết hôm 16/12 rằng họ sẽ tìm cách biến việc rời khỏi Syria thành điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Damascus.

“Nhiều ngoại trưởng nhấn mạnh rằng việc loại bỏ ảnh hưởng của Nga nên là một điều kiện tiên quyết với ban lãnh đạo mới”, Kaja Kallas, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU nói với các phóng viên tại Brussels.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã một lần nữa cho thấy rằng Syria trở thành mối quan tâm thứ yếu. Trong bài phát biểu trước giới lãnh đạo quân đội ngày 16/12, ông Putin khẳng định quân đội Nga “nắm giữ thế chủ động chiến lược” trên toàn bộ tiền tuyến ở Ukraine và dòng người Nga tình nguyện chiến đấu “không dừng lại”.

Đây là minh chứng mới cho thấy Nga tin rằng họ có thể giành chiến thắng trước Ukraine trên chiến trường, ngay cả khi ông Trump cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei R. Belousov cho biết trong cuộc họp hôm 16/12 rằng “đảm bảo chiến thắng” trong cuộc xung đột ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu của quân đội nhưng ông không nói gì về các kế hoạch hoặc mục tiêu của quân đội ở Trung Đông.

Truyền hình nhà nước Nga tìm cách lấp đầy sự im lặng bằng những tuyên bố rằng Nga đã hoàn thành sứ mệnh của mình ở Syria và bất kỳ sự bất ổn ở đây hiện đều là lỗi của phương Tây. Trong chương trình tin tức hàng tuần trên kênh Rossiya ngày 15/12, người dẫn chương trình Dmitri Kiselyov cho biết, Nga đã liên lạc với “các nhà lãnh đạo của phe đối lập có vũ trang” ở Syria và hai bên đều thể hiện “sự kiềm chế lẫn nhau”.

“Nga đã làm mọi cách có thể để mang lại sự ổn định ở Syria. Nga hiện đã có lập trường thực dụng”, ông Kiselyov nhận định.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật