spot_img
21 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánXuất khẩu HRC của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp, lãnh...

Xuất khẩu HRC của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) nói gì?

Thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường cùng các biện pháp phòng vệ thương mại toàn cầu đang tạo áp lực lớn lên sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) Việt Nam. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược mở rộng xuất khẩu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Xuất khẩu HRC của Việt Nam giảm 3 tháng liên tiếp, lãnh đạo Hòa Phát (HPG) nói gì?
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép cuộn cán nóng (HRC) tiếp tục ghi nhận đà suy giảm, đặc biệt ở mảng xuất khẩu. Trong tháng 11, tiêu thụ thép HRC giảm 18% so với cùng kỳ xuống còn 499.000 tấn, trong đó xuất khẩu giảm hơn 70% còn 101.000 tấn. Đây là tháng giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp, phản ánh sức ép lớn từ cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc và làn sóng phòng vệ thương mại trên toàn cầu.

Lũy kế 11 tháng, bán hàng thép HRC trong nước giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 6 triệu tấn; xuất khẩu giảm mạnh 31% còn 2,2 triệu tấn. Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu thép tăng 22,6% lên kỷ lục 18,6 triệu tấn, do nhu cầu nội địa yếu buộc các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu với giá cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với các cuộc điều tra chống bán phá giá từ EU và Ấn Độ, gây thêm áp lực lên thị trường thép HRC.

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa trở thành lực đỡ quan trọng. Tiêu thụ thép HRC trong nước 11 tháng đạt 3,9 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi của các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ và ống thép. Sản lượng tôn mạ tăng 26% lên 5,2 triệu tấn, lượng bán hàng tăng 33% lên hơn 5 triệu tấn. Sản lượng ống thép cũng tăng nhẹ lên mức 2,25 triệu tấn.

Đối với Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG), câu chuyện kinh doanh hiện tại gắn liền với kế hoạch tăng công suất mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 6, Hòa Phát đã rót 42.384 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng 58% so với quý trước. Tập đoàn đang dồn lực xây dựng Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép HRC/năm, với tổng vốn đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng. Dự kiến, sản phẩm đầu tiên từ phân kỳ 1 sẽ ra mắt vào cuối năm 2024. Khi hoàn thành, Hòa Phát sẽ nâng tổng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm, lọt vào Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Chia sẻ về áp lực tiêu thụ trong giai đoạn này, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Hòa Phát, cho biết: “Phải mất 4 năm để đạt công suất 5,6 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng dần theo thị trường và phụ thuộc vào sức ép bán hàng”. Để giải quyết bài toán tiêu thụ, Hòa Phát đang tích cực đẩy mạnh kênh xuất khẩu và tìm kiếm các thị trường mới, trong khi thị trường nội địa vẫn là trọng tâm.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, giúp phần nào hạ nhiệt áp lực từ thép nhập khẩu. Trong tháng 11, nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 876.000 tấn, ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm.

Dù còn nhiều thách thức, thị trường nội địa được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong năm tới nhờ chu kỳ phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công. Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, nhận định: “Ngành thép có thể hưởng lợi từ sự phục hồi này, với đà tăng trưởng kéo dài trong 2-3 năm tới”.

Với nền tảng hạ tầng đang được cải thiện và các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ thép trong nước sẽ là cứu cánh cho các nhà sản xuất như Hòa Phát trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải linh hoạt ứng phó với rủi ro từ cạnh tranh quốc tế và làn sóng phòng vệ thương mại để duy trì tăng trưởng bền vững.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật