Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2024”, được thực hiện tại 20 quốc gia và khu vực thuộc châu Á – Châu Đại Dương.
Cuộc khảo sát diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2024 và thu thập ý kiến từ 5.007 doanh nghiệp Nhật Bản, bao gồm 863 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này bao gồm các đơn vị có vốn đầu tư Nhật Bản từ 10% trở lên, cùng với các chi nhánh và văn phòng đại diện.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2024 đạt 64,1%, tăng 9,8 điểm phần trăm so với năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm kể từ trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này vượt mốc 60%. Trong đó, ngành chế tạo ghi nhận tỷ lệ kỳ vọng có lãi cao nhất với 70,2% (tăng 8,7 điểm phần trăm so với năm trước), nhờ nhu cầu tăng trưởng tích cực từ thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngành phi chế tạo cũng có tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng có lãi đạt 57,9% (tăng 11,2 điểm phần trăm), với cùng nguyên nhân chính là nhu cầu cải thiện trên các thị trường.
Về triển vọng hoạt động kinh doanh năm 2024, 48,8% doanh nghiệp cho biết tình hình sẽ “cải thiện” so với năm 2023, tăng 16,8 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ “xấu đi” chỉ còn 16,9%, giảm mạnh 18,8 điểm phần trăm. Đây là mức tăng kỳ vọng cao nhất trong khu vực ASEAN, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
>> Ông lớn Hồng Kông muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại ‘thủ phủ’ công nghiệp miền Nam
Kỳ vọng về lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt nam trong năm 2024. Nguồn: JETRO |
Triển vọng kinh doanh năm 2025 cho thấy xu hướng tích cực, khi 50,4% doanh nghiệp Nhật Bản dự báo kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục “cải thiện” so với năm 2024. Điều này cho thấy kỳ vọng ổn định và bền vững của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Trong 1-2 năm tới, 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ “mở rộng” hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, trong ngành chế tạo, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đạt 48,1% (tăng 1,0 điểm phần trăm), trong khi ngành phi chế tạo đạt 63,2% (giảm 2,3 điểm phần trăm). Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sẽ “thu hẹp” hoạt động tăng nhẹ lên 2,8% (tăng 1,0 điểm phần trăm), và tỷ lệ doanh nghiệp có ý định “rút lui hoặc chuyển sang nước thứ ba” chỉ ở mức 0,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm trước).
Dù có một số biến động nhỏ, Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng đầu tư, khẳng định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 11/2024, Nhật Bản đã đầu tư vào 5.473 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 77,64 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong 11 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 245 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,61 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này không chỉ phản ánh niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản vào tiềm năng phát triển của Việt Nam mà còn thể hiện xu hướng mở rộng đầu tư mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác giữa hai quốc gia.