Chiều ngày 18/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ trì và chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Tài chính có đồng chí Nguyễn Đức Chi – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía UBCKNN có đồng chí Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch UBCKNN, cùng Ban Lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các công chức, viên chức thuộc UBCKNN.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức do tình hình địa chính trị thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng nhờ sự chỉ đạo điều hành linh hoạt và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính. Tính đến ngày 12/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.267 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa của 3 sàn (HOSE, HNX và UPCoM) tăng 19,6% so với cuối năm trước, tương đương 69,4% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán đạt hơn 9,1 triệu, tương đương 9% dân số, vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng mức huy động vốn qua chào bán cổ phiếu và trái phiếu của công ty đại chúng là 173.000 tỷ đồng, trong đó, chào bán cổ phiếu là 134.8000 tỷ đồng và chào bán trái phiếu là 38.200 tỷ đồng. Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ ước đạt 323.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm qua, UBCKNN đã đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác như hoàn thiện khung pháp lý, quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, tăng cường hợp tác quốc tế, cải cách hành chính và hiện đại hóa công nghệ thông tin.
Đặc biệt, đầu tháng 12/2024, UBCKNN đã tiến hành rà soát và xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII về tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 05/12/2024 của Bộ Tài chính.
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức vận hành thị trường như Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam cùng các đơn vị thuộc UBCKNN đã trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2024 và đề xuất giải pháp cho năm 2025.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những kết quả mà UBCKNN đạt được trong năm 2024 và biểu dương nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức. Bộ trưởng nhấn mạnh: “UBCKNN đã không ngừng áp dụng các giải pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, an toàn, bảo vệ nhà đầu tư, đồng thời khơi thông nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”.
Để phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch, hiệu quả và bền vững, hướng tới trở thành kênh huy động vốn chủ lực trong hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cho UBCKNN trong năm 2025, bao gồm:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đầy đủ các chức năng nhiệm vụ theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu để quản lý, phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, chất lượng, bền vững.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức vận hành thị trường hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới (hệ thống KRX) cho TTCK; sớm triển khai các dự án công nghệ thông tin khác nhằm hiện đại hóa hoạt động quản lý, giám sát TTCK.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng thị trường chứng khoán phát triển theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Thứ năm, sắp xếp lại thị trường, phân bảng công ty niêm yết phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường; nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thứ cấp, thị trường giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ sáu, tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025; tổ chức thành công Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) – IOSCO; tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên TTCK nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán, TTCK và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo trên thị trường, khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường bền vững.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương phát biểu tại Hội nghị |
Theo đó, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm và chỉ đạo của Bộ Tài chính, đồng thời khẳng định: “UBCKNN sẽ tập trung nguồn lực, nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Với sự đoàn kết và nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, UBCKNN và các tổ chức liên quan, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ổn định, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước.