Vào ngày 18/12/2024, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) đã phối hợp cùng Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề “Chuỗi phân phối khí LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam”.
Tại sự kiện, ông Lã Hồng Kỳ, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng, đã chia sẻ về tiến độ đầu tư và xây dựng các dự án điện khí trọng điểm tại Việt Nam, trong đó có dự án Lô B – Ô Môn.
Ông Lã Hồng Kỳ cho biết, hiện Việt Nam mới có duy nhất Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I đã được đưa vào vận hành. Nhà máy này hoạt động từ năm 2015, hiện đang sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên sau khi nguồn khí từ mỏ Lô B được khai thác.
Bên cạnh Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I, cụm dự án nhiệt điện khí Ô Môn còn bao gồm các Nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV, mỗi dự án đang được triển khai ở các giai đoạn khác nhau.
Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là dự án do liên danh Marubeni và Vietracimex làm chủ đầu tư. Đến nay, báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đã được phê duyệt. Hiện chủ đầu tư đang trong quá trình đàm phán các hợp đồng quan trọng, bao gồm hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và hợp đồng mua bán khí (GSA) với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III hiện đang được PVN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản. Tuy nhiên, do thủ tục liên quan đến nguồn vốn ODA phức tạp và cần nhiều thời gian, dự án này đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV đã được Hội đồng thành viên PVN phê duyệt báo cáo FS điều chỉnh. Hiện tại, chủ đầu tư đang chuẩn bị đấu thầu gói thầu EPC và dự kiến sớm triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn (Ảnh: PVN) |
Được biết, chuỗi dự án Lô B – Ô Môn là dự án điện khí quy mô lớn với tổng đầu tư khoảng 12 tỷ USD, bao gồm các dự án thành phần như mỏ khí Lô B 48/98 & 52/97 (thượng nguồn), đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).
Dự kiến, sản lượng khai thác khí của dự án này sẽ đạt khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn ở Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000MW.
Đây cũng là dự án được giới đầu tư quan tâm khi nhiều công ty chứng khoán như Vietcap, MBS nhận định rằng các doanh nghiệp dầu khí như CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) và CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) sẽ hưởng lợi lớn từ dự án này.