Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, vào năm 2017 có khoảng 55 đảng viên Dân chủ tuyên bố tẩy chay buổi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Bước sang năm 2025, cả thế giới sẽ nín thở theo dõi khi ông bước vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai mang tính lịch sử.
Lễ nhậm chức sẽ diễn ra vào ngày 20/1/2025 và Tổng thống đắc cử Mỹ đang cân nhắc về việc nên đưa ai vào danh sách khách mời.
Lãnh đạo nước ngoài chưa từng dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ
Hôm 12/12, Karoline Leavitt – Thư ký báo chí Nhà trắng trong chính quyền mới của ông Trump – xác nhận rằng đội ngũ của Tổng thống đắc cử đã gửi lời mời chính thức đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Telegraph nhận định, bằng cách “chìa tay” với ông Tập, ông Trump đã cho thấy cách ông dự định phát triển mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Nhưng với việc Tổng thống đắc cử Mỹ từng dành phần lớn chiến dịch tranh cử của mình để đe dọa đánh thuế nền kinh tế số hai thế giới, hiện chưa rõ khả năng nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận lời.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Trump đã cố gắng xây dựng mối quan hệ tích cực với Bắc Kinh, nhưng mọi thứ sớm thay đổi khi ông phát động cuộc chiến thương mại chống lại siêu cường châu Á và đổ lỗi cho nước này về đại dịch Covid-19.
Thư ký báo chí Leavitt tiết lộ vào đầu tuần này rằng Chủ tịch Trung Quốc có tên trong danh sách khách mời dự lễ nhậm chức vì ông Trump muốn “đối thoại” với các đối thủ.
Bà cho biết: “Chúng ta đã thấy điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy [Trump]. Ông ấy đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích vì điều đó, nhưng nó đã dẫn đến hòa bình trên toàn thế giới. Ông ấy sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai và ông sẽ luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu.”
“Các nhà lãnh đạo thế giới đang xếp hàng để gặp Tổng thống Trump vì họ biết rằng ông sẽ sớm trở lại nắm quyền và khôi phục hòa bình thông qua sức mạnh của Mỹ trên toàn cầu”, bà Leavitt nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết cách tiếp cận này là một “tín hiệu đáng hoan nghênh” và có thể dẫn đến một “khởi đầu tốt đẹp” cho quan hệ Mỹ – Trung Quốc khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Telegraph nhận định, lời mời này là một bước đi chưa từng có vì Chủ tịch Trung Quốc sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tham dự lễ nhậm chức tổng thống Mỹ. Dù ông Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan toàn diện đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng việc chìa “cành ô liu” có thể được coi là một động thái khôn ngoan của vị tổng thống sắp nhậm chức.
Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, kể từ năm 1874, chưa từng có nhà lãnh đạo nước ngoài nào tham dự lễ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ. Thông thường, các đại sứ và nhà ngoại giao sẽ được mời trong buổi lễ nhậm chức.
Trong lần xuất hiện và rung chuông tại Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 12/12, ông Trump cho biết bản thân “đang cân nhắc việc mời một số người đến dự lễ nhậm chức”.
CNN đưa tin rằng Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, cũng như Tổng thống Argentina Javier Milei, đều đã nhận được lời mời tham dự lễ nhậm chức.
Buổi lễ của người dân Mỹ và đất nước Mỹ
Theo Telegraph, ngoài các nhà lãnh đạo nước ngoài, tổng thống mới của nước Mỹ cũng sẽ được không ít nhân vật nổi tiếng tới chúc mừng.
Tỷ phú Elon Musk – ông chủ Tesla và là người ủng hộ chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump – có khả năng sẽ có mặt ở lễ nhậm chức.
Cựu đô vật Hulk Hogan – người từng gọi ông Trump là “người hùng của tôi” và xé áo để ủng hộ ông tại một sự kiện tranh cử – sẽ là một sự xuất hiện thú vị khác.
Diễn viên Jon Voight – một người ủng hộ ông Trump ngay từ đầu – có thể được mời. Ngôi sao hành động Sylvester Stallone – người đã dành thời gian bên Tổng thống đắc cử Mỹ vào dịp Lễ Tạ ơn (28/11) – cũng có thể xuất hiện.
Golf thủ Bryson DeChambeau – người từng chơi golf với ông Trump và ca ngợi kỹ năng của ông – cũng có thể lọt vào danh sách khách mời với tư cách là một ngôi sao người Mỹ trong môn thể thao yêu thích của Tổng thống đắc cử.
Theo Telegraph, những vị khách nổi tiếng phù hợp với lời hứa của Tổng thống đắc cử Mỹ về một “buổi lễ của người dân Mỹ và đất nước chúng ta”.
Tuy nhiên, những người nổi tiếng sẽ không mang tới câu trả lời về các thỏa thuận mà ông Trump hứa thực hiện hay các chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ tới. Thay vào đó, điều này sẽ thể hiện ở những gì diễn ra xoay quanh nhóm các lãnh đạo nước ngoài lần đầu được hưởng đặc quyền dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ.