spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếĐiều gì xảy ra nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed,...

Điều gì xảy ra nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed, trực tiếp can thiệp vào chính sách tiền tệ của Mỹ?

Sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống vào chính sách tiền tệ có thể mang lại rủi ro lớn, đặc biệt với một nền kinh tế vốn phụ thuộc vào niềm tin đối với tính độc lập của NHTW như Mỹ.

Trong một tuyên bố trong giai đoạn tranh cử, ông Trump khẳng định nếu nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới ông sẽ thúc đẩy sửa đổi Đạo luật Dự trữ Liên bang để mở rộng quyền kiểm soát chính sách tiền tệ của Tổng thống.

Đến nay, danh tính chủ nhân Nhà Trắng 2025 đã chắc chắn, câu hỏi đặt ra là: Liệu sự độc lập của Fed có đứng vững dưới thời đại Trump 2.0 ?

Điều gì xảy ra nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed, trực tiếp can thiệp vào chính sách tiền tệ của Mỹ? - ảnh 1
Chủ tịch Fed Jerome Powell

Khi còn tại nhiệm, ông Trump từng chỉ trích Fed tăng lãi suất không đủ nhanh để kiểm soát lạm phát trong giai đoạn 2022-2023. Nhưng nay, ông lại cho rằng Fed giảm lãi suất quá chậm. Cựu Tổng thống tự tin tuyên bố: “Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền, rất thành công, và tôi nghĩ mình có bản năng tốt hơn nhiều người làm việc ở Fed, thậm chí cả Chủ tịch Fed.”

Theo Tổng thống đắc cử, chính sách tiền tệ nên dựa vào trực giác kinh doanh. Đồng thời ông cũng từng cho biết muốn sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, người do chính ông bổ nhiệm vào năm 2017.

Mặc dù ông Jerome Powell khẳng định luật pháp không cho phép Tổng thống cách chức chủ tịch Fed, điều đó không ngăn ông Trump liên tục gây áp lực lên cơ quan kiểm soát chính sách tiền tệ trung ương.

Đáng chú ý, ông Trump có nhiều cơ hội để thực hiện ý định này khi Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Ngay cả khi không thể buộc ông Powell rời ghế, Tổng thống vẫn có quyền bổ nhiệm người kế nhiệm khi nhiệm kỳ chủ tịch của ông kết thúc vào năm 2026. Với xu hướng lựa chọn các nhân sự trung thành, không khó để hình dung ông Trump sẽ chọn một người sẵn sàng thực hiện chính sách theo ý mình.

Cái giá của việc can thiệp vào Fed

Viễn cảnh Fed mất đi tính độc lập đang khiến giới chuyên gia lo ngại. Dữ liệu 50 năm qua cho thấy rõ: chỉ có một Ngân hàng Trung ương độc lập, chuyên nghiệp mới đảm bảo được ổn định giá cả và lạm phát – yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon đã thành công trong việc gây áp lực lên Chủ tịch Fed Arthur Burns để có chính sách tiền tệ có lợi cho chiến dịch tái tranh cử. Kết quả là Fed hạ lãi suất bất chấp lạm phát cao, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng đình lạm (kinh tế đình trệ, lạm phát cao -”stagflation”) những năm 1970.

Phải đến đầu thập niên 1980, khi Chủ tịch Fed thời đó là Paul Volcker quyết định nâng lãi suất lên tới mức 20%, giá cả mới trở lại ổn định. Dù Chủ tịch Powell khẳng định không chịu khuất phục trước áp lực, tương lai độc lập của Fed vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Đạo luật Dự trữ Liên bang chưa quy định rõ về quyền sa thải chủ tịch Fed của Tổng thống. Theo luật, thành viên hội đồng quản trị Fed chỉ có thể bị bãi nhiệm “vì lý do chính đáng” – thuật ngữ còn nhiều cách giải thích và nhiều khả năng sẽ cần Tòa án Tối cao phán quyết.

Các chuyên gia pháp lý nhận định, “lý do chính đáng” thường chỉ áp dụng cho gian lận hoặc trốn tránh trách nhiệm. Bất đồng về chính sách lãi suất khó có thể là căn cứ đủ mạnh để bãi nhiệm Chủ tịch Fed. Ngay cả khi đắc cử, ông Trump có thể chỉ được phép bổ nhiệm chủ tịch mới từ các thành viên Hội đồng Dự trữ Liên bang hiện tại.

Tuy nhiên, quá trình pháp lý kéo dài có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính. Điều tương tự cũng xảy ra nếu ông Trump và đảng Cộng hòa cố gắng sửa đổi Đạo luật Dự trữ Liên bang – động thái chắc chắn sẽ vấp phải thách thức pháp lý.

Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Trump có thể thuyết phục ông về tác động tiêu cực của việc can thiệp vào Fed. Họ có thể chỉ ra rằng việc chờ đợi đến hết nhiệm kỳ của Jerome Powell sẽ hợp lý hơn, nhất là khi Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất.

Dù diễn biến nào xảy ra, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump sẽ mang lại giai đoạn ít nhiều biến động về chính sách tiền tệ từ nay đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026. Trong khi đó, những bài học lịch sử vẫn cho thấy rõ: tính độc lập của Ngân hàng Trung ương là chìa khóa để duy trì ổn định giá cả và sự thịnh vượng của Mỹ.

Theo Project Syndicate

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật