spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhThông điệp thận trọng từ FED

Thông điệp thận trọng từ FED

Quyết định chính sách của FED phần nào nêu bật thách thức đối với kinh tế toàn cầu sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 18-12 đã quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt 0,25 điểm phần trăm (%) trong bước đi được các thị trường dự đoán từ trước. Với động thái này, lãi suất giảm còn 4,25% – 4,5%, tương đương mức hồi tháng 12-2022.

Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp của FED, cùng với đó là thông điệp thận trọng về tốc độ cắt giảm trong những năm tới. 

Vấn đề được quan tâm nhiều là ngân hàng trung ương này phát đi tín hiệu như thế nào về các ý định trong tương lai giữa lúc lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu và tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định. Theo đài CNBC, đây là những điều kiện thường không đi đôi với việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thông điệp thận trọng từ FED- Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington – Mỹ ngày 18-12. Ảnh: REUTERS

Dự báo mới nhất của FED cho thấy họ dự kiến chỉ giảm lãi suất 0,5 điểm % trong năm tới và thêm 0,5 điểm % nữa vào năm 2026. Trước đó, hồi tháng 9-2024, FED dự báo lần lượt cắt giảm 1 điểm % và 0,5 điểm % vào các năm 2025 và 2026. 

Sự điều chỉnh này là dễ hiểu khi lạm phát ở Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED, nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 3,2% trong quý IV/2024 (theo dự báo của FED chi nhánh Atlanta) và tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 4%.

Trong lúc FED tỏ thái độ thận trọng, có ý kiến lo ngại việc duy trì lãi suất quá cao có thể dẫn đến suy giảm kinh tế không cần thiết. Theo đài ABC News, lãi suất thấp thường kích thích hoạt động kinh tế về lâu dài, giữ cho nền kinh tế tăng trưởng và bảo vệ thị trường lao động. Chúng cũng thường làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc ngày 18-12 sau khi FED giảm kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong năm tới. Chỉ số Dow Jones giảm khoảng 1.100 điểm, tương đương 2,5%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8. Đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp chỉ số này sụt giảm và là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1974.

Cũng lâm cảnh tương tự, chỉ số chứng khoán MSCI của châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,6% ngày 19-12. Tâm lý ảm đạm còn lan sang các thị trường chứng khoán ở châu Âu cùng ngày.

Giới phân tích nhận định quyết định chính sách của FED phần nào nêu bật thách thức đối với kinh tế toàn cầu sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm tới. 

Trước khi nhậm chức, theo Reuters, ông Trump đã tuyên bố kế hoạch áp thuế quan, cắt giảm thuế và thực hiện các chính sách nhập cư khắc nghiệt. Tất cả động thái này đều đe dọa làm tăng lạm phát và làm phức tạp nhiệm vụ của FED.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 18-12, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết giới chức FED đang xem xét kế hoạch của ông Trump có thể tác động ra sao đối với các chính sách của họ. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên FED đã bắt đầu xây dựng các kịch bản khác nhau cho một năm khó đoán.

Dù vậy, ông Powell nhấn mạnh hiện vẫn quá sớm để đưa ra kết luận vì còn nhiều điều chưa biết. Chẳng hạn, hàng hóa nào sẽ bị áp thuế, từ quốc gia nào, trong bao lâu và với quy mô ra sao, cũng như liệu có biện pháp thuế trả đũa hay không.

Tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 19-12 duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25% trong bối cảnh mối đe dọa từ các chính sách của ông Donald Trump phủ bóng lên nền kinh tế nước này, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. 

Theo một cuộc khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản được công bố vào tuần rồi, 3/4 doanh nghiệp cho rằng nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump sẽ tác động tiêu cực đến môi trường hoạt động của họ.

Đây cũng là điều các quan chức BOJ có thể phải đối mặt khi ngân hàng trung ương này vẫn đang tìm cách thắt chặt chính sách. 

Nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa một phần

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và các đồng minh đang gây sức ép, buộc các thành viên Đảng Cộng hòa hủy bỏ dự luật chi tiêu ngắn hạn. Theo kênh Al Jazeera, quốc hội phải thông qua ngân sách cho năm tài chính 2025 trước hạn chót ngày 20-12-2024, nếu không sẽ phải đối mặt việc tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu của chính phủ.

Trước đó, các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ngày 17-12-2024 đã đạt thỏa thuận nhằm gia hạn ngân sách cho chính phủ hoạt động đến ngày 14-3-2025. Cụ thể, dự luật cho phép các cơ quan chính phủ tiếp tục hoạt động ở mức ngân sách hiện tại, tăng lương cho các thành viên quốc hội, cung cấp 100 tỉ USD cho cứu trợ thiên tai và 10 tỉ USD cho viện trợ nông nghiệp.

Tuy nhiên, một ngày sau đó, ông Trump cảnh báo những nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự luật có thể gặp khó khăn trong việc tái đắc cử. Bên cạnh đó, ông Trump kêu gọi quốc hội thông qua dự luật để giải quyết các vấn đề tồn đọng trước khi ông nhậm chức, trong đó có nâng trần nợ công và gia hạn ngân sách chính phủ. Tỉ phú Elon Musk, đồng minh của ông Trump, cũng thúc giục quốc hội bác bỏ dự luật và cho rằng những người ủng hộ văn kiện này nên bị bãi nhiệm.

Nếu Quốc hội Mỹ không hành động kịp thời, chính phủ sẽ đóng cửa một phần từ ngày 21-12, làm gián đoạn mọi thứ, từ hoạt động đi lại hàng không cho đến thực thi pháp luật trước thềm kỳ nghỉ Giáng sinh. Lần đóng cửa chính phủ gần nhất diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, kéo dài gần 35 ngày, buộc hàng trăm ngàn nhân viên liên bang nghỉ phép không lương.

Xuân Mai

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật