spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpNhiều cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngân hàng 'siết nợ'

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngân hàng 'siết nợ'

Các ngân hàng đang ráo riết "siết nợ", xử lý tài sản đảm bảo của các cá nhân, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.

“Siết nợ” cả trăm tỷ đồng

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm ăn khó khăn dẫn đến việc mất khả năng trả nợ. Trong đó, có một số cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến các vụ án đang được điều tra, xử lý.

Điển hình như Phan Công Khanh và Công ty K-Supper của người này đang bị điều tra. Số tài sản liên quan đến các cá nhân và doanh nghiệp này lên tới cả trăm tỷ đồng.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngân hàng 'siết nợ'- Ảnh 1.

Công ty K-Supper của Phan Công Khanh và các cá nhân liên quan nợ ngân hàng cả trăm tỷ đồng. (Ảnh: Đại Việt)

Mới đây, Ngân hàng Vietinbank thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty K-Supper và Huỳnh Xuân Vấn. Vấn là Phó Giám đốc Công ty K-Supper, còn Phan Công Khanh là Giám đốc. Khanh và Vấn đã bị bắt về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hồi tháng 7/2023.

Tổng dư nợ tạm tính của Huỳnh Xuân Vấn tính đến tháng 8/2024 là gần 96 tỷ đồng. Trong đó có hơn 82,5 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 13,2 tỷ đồng tiền lãi. Công ty K-Supper có dư nợ gốc hơn 25,7 tỷ đồng, nợ tiền lãi hơn 6 tỷ đồng. Tổng dư nợ và lãi là hơn 127 tỷ đồng.

Chính vì khoản nợ “khủng” nên Ngân hàng Vietinbank đã chọn Công ty Đấu giá Hợp danh Bến Thành để tổ chức đấu giá tài sản gồm 2 bất động sản của Phan Công Khanh tại huyện Bình Chánh và 5 bất động sản của Huỳnh Xuân Vấn tại Quận 3, Quận 7 (TP.HCM).

Vietinbank cũng thông báo bán tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Aura Vietshop bao gồm 4 bất động sản tại Quận 12, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi. Tổng giá trị tài sản mà ngân hàng mong muốn là hơn 44 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang rao bán hàng loạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp để “siết nợ” với giá trị tài sản từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 18/12, Ngân hàng VietBank có thông báo việc thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thảo Tâm vì doanh nghiệp này vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tổng cộng 7 bất động sản tại Bình Dương và Bình Phước của doanh nghiệp đã bị ngân hàng thu giữ để “siết nợ”.

Theo ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, những ngày cuối năm, hàng loạt ngân hàng đang tiến hành siết nợ các doanh nghiệp, cá nhân. Các tài sản đảm bảo như nhà, đất, ô tô, máy móc được ngân hàng rao bán, đấu giá rầm rộ.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM bị ngân hàng 'siết nợ'- Ảnh 2.

Ngôi nhà ở quận Bình Tân vừa được ngân hàng thanh lý trong dịp cuối năm. (Ảnh: B.L)

Ông Trần Minh Hiếu, chủ một doanh nghiệp may mặc tại quận Tân Phú cho biết, 2 năm qua, doanh nghiệp này kinh doanh khó khăn, đơn hàng giảm mạnh. Doanh thu lao dốc, lợi nhuận “teo tóp” đã khiến công ty đứng bên bờ vực phá sản. Ngân hàng đã “siết nợ” ngôi nhà của ông tại quận Bình Tân.

“Làm ăn khó khăn, lại nợ ngân hàng gần 8 tỷ đồng nên tôi đành chấp nhận mất căn nhà. Công ty đang tìm hướng kinh doanh khác để có dòng tiền ổn định hơn”, ông Hiếu nói.

Gian nan xử lý nợ xấu

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (khoản nợ xấu vẫn đang được theo dõi) đang ở mức 4,55% – gần bằng mức cuối năm 2023. Còn theo SSI Research, tỷ lệ nợ xấu tại khối Ngân hàng thương mại Nhà nước tăng lên 1,49%, còn khối Ngân hàng thương mại cổ phần tăng lên 2,59% trong quý III/2024.

Đại diện một số ngân hàng cho biết, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu rất mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án thường kéo dài.

Việc chậm xử lý nợ xấu không chỉ khiến các ngân hàng bị “chôn” vốn, mà ngân hàng còn phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng. Ngoài ra, việc chậm xử lý nợ còn khiến chi phí dự phòng rủi ro tăng, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

“Ngoài những khó khăn kể trên thì chúng tôi còn gặp nhiều khách hàng doanh nghiệp, cá nhân không hợp tác với ngân hàng trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ”, đại diện một ngân hàng nói.

TS Châu Đình Linh, chuyên gia Kinh tế – Tài chính chia sẻ, xử lý tài sản đảm bảo không phải là “cây đũa thần” để giảm tỷ lệ nợ xấu. Trên thực tế, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với sự chống đối của những người đi vay với nhiều phương thức khác nhau.

Do đó, theo chuyên gia này, quan trọng nhất là “đầu vào” của khoản nợ, ngân hàng nên sâu sát hơn trong việc thẩm định, lựa chọn khách hàng tốt. Bản chất của việc thẩm định một khách hàng tốt nằm ở phương án kinh doanh chứ không hoàn toàn là tài sản đảm bảo. Nếu có phương án kinh doanh, năng lực tài chính tốt, khách hàng sẽ đảm bảo khả năng trả nợ.

Theo chuyên gia Châu Đình Linh, ngân hàng cũng cần thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ, gia cố bộ đệm, tăng tiềm lực tài chính để chủ động xử lý nợ xấu.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu với các tổ chức tín dụng khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.

Đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật