Theo số liệu, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như chi tiêu cho 3 năm xung đột với Ukraine đều không làm giảm đà tăng trưởng của Nga. GDP của nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Alexandra Prokopenko, cây viết của tờ Carnegie Politika, kinh tế Nga đã hoạt động như một vận động viên marathon với cú hích tài chính trong 2 năm qua, và giờ thì những cú hích đó đang mất dần tác dụng.
Mặc dù điều này sẽ không dẫn đến sự sụp đổ đột ngột, nhưng sự phụ thuộc của Nga vào tăng trưởng thời chiến đã tạo ra mối đe dọa về “bẫy đình trệ”, chuyên gia này nhận định.
Prokopenko dự đoán tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chững lại vào năm tới, nhường chỗ cho những biến động về mặt xã hội và tài chính vào năm 2026.
Các vết nứt xuất hiện
Những vết nứt kinh tế có thể bắt nguồn từ cùng một điều đã giúp Nga tồn tại kể từ cuộc xung đột nổ ra năm 2022. Đó là chính sách hỗ trợ mạnh tay của Điện Kremlin cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Prokopenko cho biết, chi tiêu của Nga trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng và đến năm 2025, chi tiêu cho quốc phòng và an ninh sẽ chiếm hơn 8% GDP và 40% tổng chi tiêu của chính phủ.
Điều đó sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế nói chung. Phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực phi quốc phòng đang bị thu hẹp, trong khi doanh thu thuế tăng lên hầu như chỉ dành cho nhu cầu quân sự.
Các ngành công nghiệp không đóng góp vào sản xuất quốc phòng đang biến động, chẳng hạn như các nhà sản xuất hàng hóa và nông nghiệp. Khi giá than toàn cầu giảm, ngành than của Nga đang phải chịu tổn thất thực sự lần đầu tiên sau 4 năm.
Prokopenko cho biết đó là một vấn đề lớn. Với 31 thị trấn công nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, chỉ cần một đợt đóng cửa cũng có thể làm suy yếu cả một cộng đồng, buộc chính phủ phải can thiệp bằng viện trợ.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác, bao gồm sản xuất ô tô, bán lẻ phi thực phẩm và xây dựng nhà ở, cũng đang gặp khó khăn và cần hỗ trợ từ nhà nước. Nguồn lực bị kéo căng vì doanh thu dầu khí trì trệ và lệnh trừng phạt đã hạn chế nguồn thu ngân sách.
Triển vọng tài chính mờ nhạt của Điện Kremlin phủ bóng đen lên chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Prokopenko lưu ý rằng Quỹ Tài sản Quốc gia của chính phủ hiện ở mức 31 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ 2008.
Quá tải nhu cầu
Việc chi tiêu mạnh tay đã thúc đẩy nhu cầu trong nước, kéo theo hàng loạt vấn đề khác.
Một mặt, bất kể Điện Kremlin bơm bao nhiêu tiền vào nền kinh tế, các ngành công nghiệp của Nga đang sản xuất ở mức gần đỉnh điểm. Prokopenko cho biết các cơ sở đang hoạt động ở mức 81% công suất, trong khi tình trạng thiếu hụt lao động đã khiến khoảng 1,6 triệu việc làm bị bỏ trống. Ở một số khu vực, tiền lương đã tăng gấp đôi.
“Trên thực tế, kinh tế trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu do chi tiêu mạnh tay của nhà nước và hộ gia đình, đòi hỏi phải phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu. Điều này làm tăng nhu cầu về ngoại tệ, gây áp lực giảm giá lên đồng rúp và thúc đẩy lạm phát”, chuyên gia này cho biết.
Khi lạm phát dao động quanh mức 9%, lợi nhuận doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lên 21% để kìm hãm lạm phát nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan. Thay vào đó, chi phí vay cao đã làm tăng rủi ro phá sản đối với các doanh nghiệp.
Theo BI