Ngày 20/12, VinFast Energy, Marubeni và Vinpearl đã chính thức đưa hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) tại Vinpearl Resort Nha Trang vào vận hành thương mại, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ pin lưu trữ sản xuất tại Việt Nam vào thực tiễn.
Đây là dự án tiên phong trong mô hình hợp tác 3 bên, trong đó Marubeni là chủ đầu tư, VinFast Energy là nhà cung cấp giải pháp và Vinpearl là đơn vị sử dụng và hưởng lợi từ BESS. Hệ thống này giúp cân bằng phụ tải, giảm tải tiêu thụ trong giờ cao điểm, từ đó giảm áp lực cho lưới điện và tăng cường khả năng tự chủ năng lượng. BESS cũng sẽ hỗ trợ Vinpearl tích hợp các hệ thống điện mặt trời trong tương lai, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Vinpearl.
Sự kiện khánh thành dự án pin lưu trữ BESS đặt tại Vinpearl Resort Nha Trang (Ảnh: VinFast Energy) |
BESS (Battery Energy Storage System) là giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến, cho phép lưu trữ và cung cấp điện linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng tại các thời điểm khác nhau. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả trong việc lưu trữ năng lượng vào giờ thấp điểm để sử dụng vào giờ cao điểm, giảm tải cho lưới điện.
Ngoài ra, BESS có khả năng tích hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, giúp ổn định nguồn cung và tối ưu hóa sản lượng điện. Với những ưu điểm vượt trội, BESS đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng và xây dựng hệ thống năng lượng bền vững toàn cầu.
Tầm nhìn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ sản xuất pin xe điện đến tái chế sử dụng
Để giải quyết vấn đề về pin, cuối năm 2022, VinFast Energy và Công ty Gotion, Inc. đã khởi công dự án nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án này có công suất thiết kế 5 GWh/năm, tương đương khoảng 30 triệu cell pin/năm. Trước đó, vào tháng 12/2021, VinES đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói pack pin với công suất 100.000 pack pin/năm.
Lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất cell pin sạc LFP tại Khu kinh tế Vũng Áng |
Tuy nhiên, cụm pin của ô tô điện giống như phiên bản cỡ lớn của cục pin lithium-ion (Li-ion) trong điện thoại di động. Ô tô điện không chỉ dùng một cục pin như điện thoại mà là một cụm gồm hàng ngàn thỏi pin Li-ion liên kết với nhau.
Khi ô tô cắm sạc, điện được dùng để tạo ra những thay đổi hóa học bên trong pin. Khi xe chạy, những thay đổi này được đảo ngược để tạo ra điện. Việc lặp đi lặp lại quá trình này ảnh hưởng đến lượng điện nạp vào mà pin có thể giữ, từ đó làm giảm phạm vi hoạt động của xe sau mỗi lần sạc pin. Hầu hết các nhà sản xuất bảo hành 5-8 năm cho cụm pin, nhưng theo tính toán hiện nay, pin ô tô điện có tuổi thọ từ 10-20 năm mới phải thay.
Để giải quyết vấn đề pin cũ, giữa tháng 12/2023, VinFast và Tập đoàn Marubeni đã công bố Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác tái sử dụng pin xe điện, hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo thỏa thuận, VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống BESS từ pin xe điện đã qua sử dụng. Trong đó, VinFast sẽ là đơn vị cung ứng pin xe điện; Marubeni đảm nhiệm việc đánh giá khả thi, tư vấn kỹ thuật, và triển khai lắp đặt BESS. 2 bên cũng đồng thời thúc đẩy các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực pin xe điện đã qua sử dụng, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.
VinFast và Marubeni sẽ hợp tác nghiên cứu, sản xuất BESS từ pin xe điện đã qua sử dụng |
Hệ thống BESS cũng có các bộ phận gần tương tự với hệ thống pin dùng trên xe điện, như cell pin, hệ thống chuyển đổi dòng điện (PCS) và hệ thống quản lý pin (BMS). Với cell pin dùng trên BESS, nhà sản xuất có thể sử dụng pin mới hoàn toàn hoặc tận dụng pin từ xe điện.
Ô tô điện thường được trang bị pin với các cell pin mới; các cell pin này sẽ được thay thế khi hiệu suất sạc-xả giảm xuống mức 70%. Sau khi được tháo bỏ, các cell pin cũ vẫn còn giá trị sử dụng với các hệ thống lưu trữ điện.
Pin sử dụng trên xe điện thường được sản xuất từ các nguyên liệu đắt đỏ, tiêu biểu như côban, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tàn phá môi trường. Do vậy, việc tái sử dụng, tái chế pin xe điện có ý nghĩa bảo vệ môi trường cao.
Bên cạnh đó, việc sử dụng pin cũ từ xe điện cũng giúp cắt giảm chi phí sản xuất BESS, từ đó giảm chi phí đầu tư. Nhờ đó, pin xe điện có thể được sử dụng lâu hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Tại châu Âu, năm 2021, có khoảng 63.000 tấn pin phế liệu có thể tái chế, con số này được dự báo sẽ tăng liên tục trong thập kỷ này, vượt qua 260.000 tấn vào năm 2030. Việc tái sử dụng pin xe điện cho các hệ thống lưu trữ điện năng sẽ là giải pháp cần nhân rộng để tận dụng tối đa giá trị của pin cũ.