Na Uy đang xây dựng hầm đường bộ bốn làn dưới biển Rogfast, dự kiến trở thành hầm dài và sâu nhất thế giới. Công trình này sẽ kết nối hai khu vực Randaberg và Bokn, hiện bị ngăn cách bởi vùng nước rộng khoảng 26 km.
Khi hoàn thành, Rogfast sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng phà, giúp rút ngắn 11 giờ hành trình trên tuyến cao tốc ven biển E39 – tuyến đường dài khoảng 1.094km từ Trondheim ở phía Bắc đến Kristiansand ở phía Nam. Hiện nay, hành trình trên tuyến E39 thường bị gián đoạn bởi bảy chặng phà qua các vịnh hẹp, gây khó khăn cho việc di chuyển giữa các thành phố lớn như Stavanger và Bergen.
Rogfast không chỉ hỗ trợ lưu thông nhanh hơn mà còn là một phần trong dự án nâng cấp toàn diện trị giá 45 tỷ USD cho tuyến E39. Dự án bao gồm cả kế hoạch xây dựng các hầm “nổi” dưới biển, đặt ra một chuẩn mực mới trong kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo ông Oddvar Kaarmo, quản lý dự án Rogfast, dịch vụ phà hiện nay thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, đặc biệt vào mùa đông, khiến hành trình kéo dài và bất tiện cho người dân.
“Cảng Mortavika khá dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, và đôi khi phà phải chuyển hướng sang cảng khác”, ông Kaarmo cho biết. “Khi hầm hoàn thành, chúng ta sẽ không còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Khoảng nửa năm sau khi hoàn tất khoan và nổ mìn, chúng tôi sẽ bàn giao dự án. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phối hợp hậu cần đồng bộ”.
Hầm Rogfast sẽ được khoan xuyên qua lớp đá dưới biển, với chiều dài 26,5 km và độ sâu tối đa khoảng 400m. Thời gian di chuyển qua hầm chỉ mất 35 phút, nhờ thiết kế hiện đại gồm hai đường hầm đôi, mỗi đường có hai làn xe. Độ dốc tối đa của hầm chính được giới hạn ở mức 5%, đảm bảo an toàn và thuận tiện cho giao thông.
Xây dựng hầm đường bộ Rogfast là một thách thức kỹ thuật vượt trội, đặc biệt khi công trình này được đặt ở độ sâu khủng, biến nó trở thành hầm giao thông dưới biển sâu nhất từng được thực hiện. Không chỉ độ sâu gây ấn tượng mà quy mô khai quật cũng đáng kinh ngạc, với 8,5 triệu m3 đá cần được xử lý để tạo không gian cho hầm.
Để hoàn thành dự án, các kỹ thuật đào hầm tiên tiến đã được áp dụng nhằm vượt qua những thành tạo địa chất phức tạp dưới các vịnh hẹp. Các kỹ sư phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc kiểm soát áp suất nước khổng lồ cho đến đảm bảo tính ổn định của cấu trúc trong điều kiện đá thường xuyên dịch chuyển.
Để giải quyết những vấn đề này, các hệ thống giám sát hiện đại cùng công nghệ phân tích dữ liệu thời gian thực đã được triển khai, đảm bảo từng bước thực hiện đều đạt độ chính xác và an toàn cao nhất.
Toàn bộ dự án có chi phí ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó 40% được Chính phủ tài trợ, phần còn lại sẽ được bù đắp thông qua thu phí sử dụng hầm, khoảng 40 USD mỗi lượt. Đặc biệt, đá khai thác trong quá trình xây dựng sẽ được tái sử dụng cho các dự án cải tạo đất, thể hiện cam kết của Na Uy đối với phát triển bền vững.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2033, Rogfast sẽ vượt qua hầm Lærdal – hiện là hầm đường bộ dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài khoảng 24 km nối Lærdal và Aurland – để trở thành công trình dài nhất và sâu nhất thế giới.
Dự án Rogfast bắt đầu xây dựng vào năm 2018 nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch. Kế hoạch ban đầu được Quốc hội Na Uy thông qua vào năm 2017.
Trong tương lai, Na Uy dự kiến thay thế toàn bộ các chặng phà trên tuyến E39 bằng các tuyến đường cố định. Do nước tại các vịnh hẹp thường quá sâu để xây dựng hầm thông thường, một số đề xuất táo bạo bao gồm các hầm “nổi” dưới biển được neo vào đáy hoặc treo từ bề mặt nước.
Theo The Telegraph