Trước câu hỏi, bối cảnh kinh tế toàn cầu ảnh hưởng ra sao đến các cơ hội của Việt Nam, ông Lê Trí Thông cho rằng, hai năm tới, Việt Nam sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách mới dưới thời Tổng thống Donald Trump như tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu và chuyển dịch chuỗi cung ứng.
“Như vậy, trong ngắn hạn, 2025 sẽ là năm thuận lợi với nền kinh tế Việt Nam”, doanh nhân này nói.
Theo đó, người điều hành PNJ dự đoán Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, vốn đầu tư FDI ra khỏi Trung Quốc. Một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ làn sóng này như logistics, khu công nghiệp, bán lẻ… Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản sẽ ấm dần lên do tháo gỡ được các nút thắt cổ chai về pháp lý.
Không chỉ nhận định về tình hình vĩ mô, tại sự kiện, Tổng giám đốc PNJ còn chia sẻ góc nhìn về câu chuyện áp dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp.
Dẫn chứng điều này, ông Thông kể câu chuyện của nước làng giếng Trung Quốc. Sở dĩ, quốc gia này có thể vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu, thoát phận “công xưởng thế giới” bởi bọ đặt cược vào Internet. Trung Quốc có những chiến lược quốc gia để phát triển lĩnh vực này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng chính sách để phát triển.
Do đó, trong kỷ nguyên AI đang dần thay đổi cách làm việc của nhân loại, doanh nghiệp cần phải học cách sử dụng và huấn luyện công cụ này, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động và tăng năng suất lao động. Thay vì lo sợ AI, doanh nghiệp nên hiểu rằng, AI chỉ hỗ trợ các công việc diễn ra thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, thay vì đầu tư “vô tội vạ” cho AI, doanh nghiệp cần tự xác định bài toàn của mình và “ra đề” cho AI hóa giải. ông Lê Trí Thông cũng cho rằng, AI là một “cuộc chơi đắt đỏ” và thành công chỉ đến với những doanh nghiệp biết cách đặt ra bài toán phù hợp.
“Người đặt đầu bài không đúng sẽ không có lời giải đúng. Đây chính là câu chuyện của trí tuệ con người, không phải trí tuệ nhân tạo”, ông Lê Trí Thông cho biết.