Ngày 24/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống Tham nhũng (PCTN).
Báo cáo tại hội nghị do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt trình bày cho thấy, sau 5 năm thực thi, Luật PCTN đã kế thừa những ưu điểm của các luật trước, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Luật đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTN trong bối cảnh mới, với tinh thần quyết liệt “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt trình bày tại hội nghị |
Trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được kiểm tra tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị, dẫn đến việc chấn chỉnh, xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Công tác chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, với 235.271 người có chức vụ, quyền hạn được điều chuyển vị trí công tác theo quy định.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng cũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Từ năm 2020 đến 2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ công khai trên 98%. Trong đó, 37.106 trường hợp đã được xác minh tài sản, thu nhập, với 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định.
Thông qua xét xử các vụ án tham nhũng, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thu hồi tổng số tiền và tài sản tham nhũng trị giá 4.572 tỷ đồng. Đồng thời, 264 người đứng đầu hoặc cấp phó đã bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 73 người bị xử lý hình sự.
>>Thanh tra Chính phủ xác minh tài sản của 56 người có chức vụ tại 5 bộ và 3 cơ quan