spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0

Nước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0

Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 đang nhanh chóng chuẩn bị đội ngũ nội các để có thể bắt đầu làm việc ngay từ ngày nhậm chức đầu tiên trong năm 2025 nhưng xu hướng chính sách tương lai vẫn còn là một câu hỏi mở.

Người dân Mỹ đã trải qua năm 2024 với nhiều cung bậc cảm xúc, từ việc Tổng thống Biden quyết định từ bỏ cuộc đua tái tranh cử nhiệm kỳ hai vào phút cuối, thay thế bằng Phó Tổng thổng Kamala Harris cho đến chiến thắng áp đảo của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.

Mặc dù đạt được không ít thành tích nhưng nhiệm kỳ của Tổng thống Biden khép lại với hàng loạt vấn đề còn dang dở đặc biệt là các cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông và câu hỏi về vai trò của Mỹ trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trong khi đó, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 đang nhanh chóng chuẩn bị đội ngũ nội các để có thể bắt đầu làm việc ngay từ ngày nhậm chức đầu tiên trong năm 2025 nhưng xu hướng chính sách tương lai vẫn còn là một câu hỏi mở.

Việc cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Cộng hòa giành thắng lợi áp đảo và dễ dàng trước đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 được xem là sự kiện ấn tượng nhất của nước Mỹ trong năm 2024. Không chỉ vậy, việc đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng khiến hành trình quay trở lại Nhà Trắng của ông Trump trở nên hoàn hảo hơn.

“Làn sóng đỏ” phá vỡ “Bức tường xanh”

Chiến thắng của ông Trump và đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử vừa qua đã tạo ra được một làn sóng đỏ mạnh mẽ nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây. Giành thắng lợi với 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của bà Harris, ông Trump đã xuất sắc vượt qua đối thủ của mình ở tất cả 7 bang chiến trường, những bang được đánh giá sẽ quyết định kết quả bầu cử.

Không chỉ đổi từ màu xanh sang đỏ tại 4 bang từng ủng hộ đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020 là Wisconsin, Michigan, Pensylvania và Georgia, ông Trump và đảng Cộng hòa còn biến hai bang Florida và Ohio trở thành chiến địa vững chắc cho đảng này. Đối với các nhóm cử tri, trong kỳ bầu cử năm 2024, có nhiều cử tri nam giới, da màu và gốc Latinh, vốn ủng hộ đảng Dân chủ đã quay sang ủng hộ cho ông Trump.

Bên cạnh đó, với các khẩu hiệu bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ trong nước của mình, ông Trump cũng thu hút được một lượng cử tri truyền thống của đảng Dân chủ là công nhân thuộc các công đoàn, những người tự xem là bị bỏ lại phía sau khi nước Mỹ thay đổi.

Nước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0- Ảnh 1.

Ông Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Tại Quốc hội, đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện với 53/47 ghế. Mặc dù không chiếm được đa số áp đảo (60/100) nhưng cũng giúp ông Trump có được sự ủng hộ quan trọng trong các quyết sách về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa cũng duy trì được đa số khi chỉ bị mất một ghế cho Dân chủ với tỷ lệ 220/215. Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump và đảng Cộng hòa chiếm lợi thế so với Dân chủ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump và đảng Cộng hòa cũng đã kiểm soát cả hai viện Quốc hội trong 2 năm đầu tiên (2017-2018). Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là việc rất khó có thể duy trì quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ 4 năm. Trong nhiệm kỳ của cả ông Trump, Barack Obama và trước đó là Bill Clinton, đảng cầm quyền đã mất thế đa số của ít nhất một trong hai viện trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Về phía đảng Dân chủ, với các lo ngại liên quan đến sức khỏe và sự ủng hộ của cử tri đối với ứng cử viên đương kim Tổng thống Joe Biden, màn “thay ngựa giữa dòng” bằng ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, với việc không duy trì được động lực tranh cử trong giai đoạn quan trọng cộng với khoảng thời gian quá ngắn để có thể tạo được hình ảnh khác biệt với ông Biden, Phó Tổng thống Harris đã không thể làm nên lịch sử, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên và nữ Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Có thể nói rằng, chìa khóa cho chiến thắng là chiến dịch tranh cử của ông Trump đã làm rõ những vấn đề mà cử tri Mỹ muốn nói đến, trong khi đảng Dân chủ lại chủ yếu đề cập về những vấn đề mà họ muốn nói đến. Ngoài ra, một lý do nữa cho thất bại của bà Harris có lẽ là nước Mỹ vốn vẫn còn mang nặng tư tưởng bảo thủ chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng thống, đặc biệt lại là một phụ nữ da màu.

Di sản gây tranh cãi của Tổng thống Joe Biden

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã để lại cho nước Mỹ không ít thành tựu quan trọng. Đối với nước Mỹ, Tổng thống Biden đã có được sự ủng hộ lưỡng đảng về một số đạo luật quan trọng như Đạo luật Chip và Khoa học, đạo luật để đầu tư 53 tỷ USD tạo ra việc làm trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn; Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD cải thiện đường sá, cầu cống, phương tiện giao thông công cộng, đường sắt, sân bay, cảng, đường thủy và hệ thống năng lượng; đầu tư 4,6 tỷ USD đối phó với dịch bệnh Covid-19…

Cũng trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định, tạo hàng chục triệu việc làm mới, cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường kiểm soát an toàn súng đạn. Trong cuộc khảo sát năm 2024 của các chuyên gia Đại học Houston Coastal Carolina thực hiện với sự tham gia của khoảng 200 chuyên gia chính trị và lịch sử, ông Biden xếp thứ 14, nằm trong số 1/3 những Tổng thống vĩ đại nhất còn ông Trump xếp thứ 45, nằm gần cuối bảng xếp hạng.

Nước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0- Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Về các vấn đề đối ngoại, tiếp nối cách tiếp cận chính sách truyền thống của đảng Dân chủ dựa vào các thỏa thuận đa phương để hỗ trợ răn đe tích hợp và phục vụ các mục tiêu an ninh quốc gia rộng hơn, Tổng thống Biden đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Trong đó nổi bật là vận động Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua nhiều bất đồng để bình thường hóa quan hệ với cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại Trại David; củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh châu Âu và NATO; phát triển các cơ chế tiểu đa phương như Nhóm Bộ Tứ, AUKUS hay nhóm Mỹ – Nhật – Hàn, Mỹ – Nhật – Philippines…Ông Biden cũng xác định đặt nhu cầu trong nước lên hàng đầu, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc…

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine và Trung Đông bùng phát chưa có hồi kết đã che phủ các thành tựu của ông Biden, đẩy chính sách đối ngoại rơi vào bế tắc. Các cuộc xung đột này cũng làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết mâu thuẫn về kinh tế, thương mại, khí hậu toàn cầu và đặc biệt là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Vấn đề gây tranh cãi nhất là việc Tổng thống Biden quyết định ân xá “toàn diện và vô điều kiện” cho Hunter Biden, áp dụng với mọi tội danh mà con trai ông “đã phạm hoặc có thể đã phạm phải trong giai đoạn từ năm 2014 đến trước tháng 12 năm 2024. Lệnh ân xá này về cơ bản giúp Hunter thoát khói nguy cơ ngồi tù vì các tội danh liên quan đến súng và thuế. Hunter Biden, 54 tuổi, hiện là con trai duy nhất của ông Biden, sau khi con gái Naomi Christina qua đời trong vụ tai nạn ô tô cuối năm 1972 còn con trai cả Beau Biden qua đời do ung thư não năm 2015. Quyết định đi ngược các cam kết trước đây của ông Biden đã gây ra nhiều tranh cãi từ cả người ủng hộ lẫn phản đối.

Trước đó, cũng đã có một số Tổng thống Mỹ ký lệnh ân xá cho người thân, ví dụng như năm 2001, ông Bill Clinton ân xá cho em trai cùng mẹ khác cha Roger Clinton; năm 2020, ông Trump đã ân xá cho Charles Kushner, cha của con rể Jared Kushner. Tuy nhiên, điều chắc chắn là quyết định này sẽ có ảnh hưởng tương đối lớn đến các di sản của ông Biden trong nhiệm kỳ của mình.

Trump 2.0 với thuế và thuế quan

Tiếp tục phương châm “Nước Mỹ trên hết”, con đường trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Trump nổi bật nhất là các tuyên bố về thuế và thuế quan, biến khẩu hiệu bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ bằng thuế quan trở thành chuẩn mực. Ở trong nước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất một danh sách dài các biện pháp cắt giảm thuế, bao gồm cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống 20% hoặc 15%; xóa bỏ thuế đối với tiền boa, khoản tiền thưởng cho nhân viên phục vụ, tiền làm thêm giờ, các chế độ phúc lợi an sinh xã hội; cung cấp tín dụng thuế cho mua ô tô và chăm sóc gia đình…

Tổng cộng, các khoản cắt giảm thuế có thể lên khoảng 8.000 tỷ đến 10.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Mặc dù đây là một ý tưởng được nhiều chính trị gia ủng hộ, kể cả Phó Tổng thống Harris, nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định đề xuất này không công bằng, ví dụ như giữa những người lao động được hưởng tiền boa và những người không được hưởng, tiếp tục làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Nước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0- Ảnh 3.

Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Về chính sách thương mại, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng đề xuất mức thuế quan rộng rãi là 10% hoặc 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đánh giá của giới kinh tế Mỹ, đề xuất của ông Trump về mức thuế quan chung là 10% và mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ giúp tăng doanh thu liên bang thêm 2,8 nghìn tỷ USD trong 10 năm, nếu tăng mức thuế quan cơ bản lên 20% sẽ mang lại 4,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà nhập khẩu chuyển chi phí thuế quan cho người tiêu dùng dưới hình thức giá hàng hóa cao hơn. Theo đó, nếu Mỹ áp dụng mức 10%/60% sẽ khiến thu nhập sau thuế trung bình của mỗi hộ gia đình vào năm 2025 giảm khoảng 1.800 USD, còn với mức thuế phổ cập lên 20% sẽ làm giảm thu nhập sau thuế trung bình khoảng 3.000 USD. Hay nói cách khác, nếu Trump 2.0 áp dụng các mức thuế quan như cam kết thì chỉ là gián tiếp lấy tiền túi của mỗi hộ gia đình đóng góp cho ngân sách liên bang.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết đánh thuế cao trong chiến dịch tranh cử nhưng việc thực hiện trên thực tế có thể không quá cứng rắn như các tuyên bố trước đó. Các mức áp thuế cao đối với nhiều nước như Trung Quốc, Mexico hoặc đối tác như Canada, EU… có thể chỉ là một quân bài mặc cả trong đàm phán thương mại trong tương lai. Chính quyền Trump 2.0 cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong việc áp thuế vì đội ngũ cố vấn và quan chức thương mại được đề cử hiện nay đa số là các nhà kinh tế có kinh nghiệm, hiểu rõ về tác động tiêu cực khi đánh thuế, có thể tác động lớn hơn đến Trump so với đội ngũ cố vấn trong nhiệm đầu.

Ngoài ra, kinh tế Mỹ cũng đang trong giai đoạn nhạy cảm, lạm phát xu hướng tăng và tăng trưởng kinh tế thấp, nếu không có giải pháp phù hợp kiềm chế lạm phát, ví dụ như áp thuế cao có thể đẩy tốc độ lạm phát gia tăng, đời sống khó khăn, ngược với các cam kết trong khi tranh cử, dẫn đến nguy cơ đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Quốc hội trong kỳ bầu cử tới.

Tương lai khó đoán định chờ đợi nước Mỹ và thế giới

Cuộc bầu cử năm 2024 với chiến thắng của cựu Tổng thống Trump, người đang bị xét xử trong 4 vụ án hình sự thể hiện sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ. Sự chia rẽ càng trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Biden, một người đàn ông da trắng sinh cùng thế hệ với ông Trump, rút khỏi cuộc đua và thay thế là bà Harris, một phụ nữ đa sắc tộc với khoảng cách thế hệ lên đến gần 20 năm.

Nước Mỹ năm 2024: Làn sóng đỏ và Chính quyền Trump 2.0- Ảnh 4.

(Ảnh: Reuters)

Sự chia rẽ trong các nhóm cử tri phản ánh khác biệt và mâu thuẫn về chủng tộc, địa lý, tôn giáo, giáo dục và nhiều yếu tố khác. Cơ sở ủng hộ của ông Trump nghiêng về những người da trắng, lao động phổ thông, nam giới, sống ở nông thôn và theo đạo Tin Lành. Trong khi đó, bà Harris và đảng Dân chủ tiếp tục thu hút sự ủng hộ từ nhóm người có trình độ đại học, sống ở đô thị, phụ nữ, thanh niên và cử tri da màu. Ngoài ra, bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh không phải tất cả những người ủng hộ đều có quan điểm cực đoan với khuynh hướng bạo lực nhưng 99,5% những người cực đoan như vậy tự nhận mình là người hâm mộ cuồng nhiệt, việc hàn gắn chia rẽ xã hội Mỹ của ông Trump sẽ không hề đơn giản.

Về thương mại, chắc chắn Chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng chính sách thương mại mang tính bảo hộ nhất từng có trong cả thế kỷ qua. Song song với đó, Quốc hội Mỹ cũng đang có hàng loạt động thái theo hướng bảo hộ nhiều hơn, ví dụ như hủy bỏ Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc, áp đặt thuế quan đối với các nước mà Mỹ xếp vào diện kinh tế phi thị trường, trao quyền cho Tổng thống áp đặt thuế quan “có đi có lại” hay là thuế quan trả đũa đối với tất cả các nước, kể cả là đồng minh hay đối tác.

Cách tiếp cận này có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho nước Mỹ, nhưng nó có nguy cơ gây tổn hại lâu dài cho mối quan hệ song phương và sự ổn định kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc khơi lại các cuộc chiến thương mại tiềm tàng với Trung Quốc và cả các đồng minh, đối tác của Mỹ. Việc áp đặt mức thuế phổ quát 10% mà ông Trump dự kiến áp dụng có thể gây ra bất ổn, tình trạng thiếu chắc chắn trong hoạt động thương mại toàn cầu và nguy cơ sụp đổ của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Về đối ngoại, không chỉ các nước được xem là đối đầu với Mỹ như Trung Quốc, Nga, Iran… mà ngay cả các đồng minh thân cận và đối tác cũng thể hiện sự dè dặt và tâm lý chờ đợi các chính sách của Chính quyền Trump 2.0. Dự kiến, trong năm 2025, ông Trump có thể sẽ đảo ngược hoặc điều chỉnh nhiều chính sách dưới thời Tổng thống Biden. Về các thách thức toàn cầu, chính quyền Trump 2.0 có thể từ bỏ các thỏa thuận về biến đổi khí hậu, giảm bớt can dự tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Y tế thế giới…thậm chí là cả Liên hợp quốc, thúc đẩy khai thác năng lượng hóa thạch hơn là phát triển năng lượng tái tạo.

Chính quyền Trump 2.0 cũng có thể điều chỉnh cách tiếp cận với xung đột Ukraine, xung đột tại Trung Đông và các điểm nóng khác, giảm bớt can dự trực tiếp, thúc đẩy vai trò của các đồng minh và đối tác. Mặc dù chưa thể hiện nhiều chính sách mới so với nhiệm kỳ đầu tiên nhưng rõ ràng với tính cách hay thay đổi của mình, có lẽ cả thế giới và nước Mỹ dường như vẫn phải chờ đợi từng dòng đăng tải trên mạng xã hội vào mỗi sáng sớm của Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, Donald Trump.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật