spot_img
15 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếNền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn xây ít nhất...

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn xây ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân

Trong bối cảnh tiềm năng năng lượng tái tạo còn hạn chế, các lò phản ứng hạt nhân tiên tiến được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn năng lượng carbon thấp bền vững cho quốc gia này.

Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân trong nỗ lực đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong đó, dự án đầu tiên sẽ được thực hiện bởi ThorCon, nhà phát triển năng lượng hạt nhân đến từ Mỹ.

Nhà máy tiên phong này sẽ được đặt tại đảo Kelasa thuộc tỉnh Bangka Belitung trong khi nguyên mẫu lò phản ứng được Hàn Quốc vận chuyển bằng đường biển vào năm 2028.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn xây ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân - ảnh 1
Thorcon sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại đảo Kelasa, Indonesia. Ảnh: ThorCon

Do hạn chế về tiềm năng năng lượng tái tạo, Indonesia coi năng lượng hạt nhân là giải pháp khả thi để đáp ứng nhu cầu năng lượng carbon thấp. ThorCon dự định sử dụng lò phản ứng muối nóng chảy thorium (TMSR) tại cơ sở của mình, với công suất ước tính 500MW điện carbon thấp.

Theo ông Bob Effendi, CEO ThorCon tại Indonesia, tỉnh Bangka Belitung được lựa chọn nhờ nguồn tài nguyên thiếc phong phú, bởi thorium – nguyên liệu chính của lò phản ứng – là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất thiếc.

Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng đòi hỏi nguồn vốn đáng kể. ThorCon ước tính tổng chi phí đầu tư cho dự án này rơi vào khoảng 1,06 tỷ USD – bao gồm khảo sát, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn xây ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân - ảnh 2
Bản dựng nhà máy điện hạt nhân nổi 500MW do Thorcon International đề xuất tại Indonesia. Ảnh: ThorCon

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Airlangga Hartarto, cho biết công ty điện lực nhà nước PLN đã hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản để phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) công suất dưới 300MW.

Trong vòng 15 năm tới, Indonesia đặt mục tiêu tăng nguồn cung điện lên 100GW, với 75% đến từ năng lượng tái tạo và 5% từ năng lượng hạt nhân. Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nga, Pháp và Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Mặc dù các lò phản ứng mô-đun nhỏ được xem là giải pháp đầy triển vọng để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng carbon thấp, nhưng nhà phân tích chính sách điện Đông Nam Á Dinita Setyawati lưu ý rằng chỉ dựa vào các lò phản ứng nhỏ sẽ không đủ để thay đổi cơ cấu năng lượng hiện tại của Indonesia – vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Bà nhấn mạnh rằng việc phát triển năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là yếu tố quan trọng để tạo ra sự chuyển đổi thực sự trong lĩnh vực năng lượng.

Theo Jakarta Post

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật