spot_img
18 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpStarbucks 'tái xuất' tại tòa nhà là biểu tượng của TP. HCM,...

Starbucks ‘tái xuất’ tại tòa nhà là biểu tượng của TP. HCM, giá thuê gần 1 tỷ đồng/tháng

Starbucks Việt Nam đang tìm cách đối phó với cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi nội địa như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend và Phúc Long…

Sáng 26/12, Starbucks Việt Nam xác nhận kế hoạch mở lại cửa hàng Starbucks Reserve tại tòa tháp Bitexco, Quận 1, TP. HCM, dự kiến trong nửa đầu năm 2025.

Cửa hàng Starbucks Reserve duy nhất tại TP. HCM trước đây nằm ở số 13 Hàn Thuyên đã dừng hoạt động từ ngày 26/8 do hợp đồng thuê kết thúc và giá thuê tăng. Mặt bằng cũ với giá thuê 21.000 USD (khoảng 520 triệu đồng) một tháng hiện vẫn bỏ trống, giá chào mới tăng lên 30.000 USD (750 triệu đồng).

Starbucks cho biết việc tìm kiếm địa điểm thay thế đã được tiến hành từ trước khi hết hợp đồng nhưng mất nhiều thời gian để lựa chọn. Tại Bitexco, cửa hàng mới dự kiến chiếm vị trí mặt tiền tầng trệt với diện tích 256m2, thay thế mặt bằng của Adidas vừa rút lui. Với mức giá thuê trung bình 150 USD/m2, Starbucks có thể phải trả gần 980 triệu đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với mặt bằng cũ.

Theo giới môi giới bất động sản, Bitexco có không gian thoáng đãng và vị trí trung tâm thu hút lượng khách đa dạng, bao gồm khách văn phòng, người đi xem phim và mua sắm. Chủ tòa nhà cũng có thể đưa ra mức giá ưu đãi hơn để thu hút một thương hiệu lớn như Starbucks, góp phần tăng sức hút cho trung tâm thương mại.

Starbucks Reserve là dòng cửa hàng cao cấp của chuỗi, phục vụ đồ uống đặc sản trong không gian sang trọng, với đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu. Giá thành tại đây thường cao hơn các cửa hàng thông thường.

Starbucks 'tái xuất' tại tòa nhà là biểu tượng của TP. HCM, giá thuê gần 1 tỷ đồng/tháng
Tòa nhà Bitexco TP. HCM. Ảnh: Internet

>> 10 năm trước ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói Starbucks bán thứ nước có mùi cà phê không đủ sức ảnh hưởng tới Trung Nguyên, hiện tại ra sao?

Starbucks Việt Nam hiện có 125 cửa hàng trên toàn quốc (tính đến tháng 12/2024), trong đó chỉ còn một cửa hàng Starbucks Reserve tại phố Nhà Thờ, Hà Nội. Ngoài việc mở lại cửa hàng tại TP. HCM, công ty đang lên kế hoạch khai trương thêm một Starbucks Reserve tại Hà Nội vào năm sau.

Ban đầu, Starbucks tập trung mở cửa hàng tại các thành phố lớn và vị trí đắc địa. Gần đây, chuỗi đã chuyển hướng đến các địa phương khác như Đà Lạt, Huế, Sapa và các khu đô thị, trung tâm thương mại, sân bay, ga tàu điện.

Starbucks cũng nỗ lực nội địa hóa bằng cách bổ sung vào thực đơn các món nước lấy cảm hứng từ phong cách uống cà phê của người Việt như cà phê sữa đá, cà phê muối và cà phê dừa.

Trên toàn cầu, Starbucks đối mặt với khó khăn trong năm tài chính 2024. Doanh thu quý IV kết thúc vào ngày 30/9 giảm 3%, còn 9,1 tỷ USD, do doanh số và lượng khách giảm. CEO mới Brian Niccol đã công bố kế hoạch tái cấu trúc để đưa thương hiệu trở lại đà tăng trưởng.

Starbucks Việt Nam đang tìm cách đối phó với cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi nội địa như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend và Phúc Long, những thương hiệu dẫn đầu trong khảo sát năm 2024 của Q&Me. Với chiến lược địa phương hóa và mở rộng mạng lưới, Starbucks hy vọng tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường Việt Nam.

Tòa nhà Bitexco Financial Tower (hay Tháp Tài chính Bitexco) cao 269m với 68 tầng hiện là tòa nhà cao thứ 2 tại TP. HCM và cao thứ 4 cả nước. Công trình tọa lạc trên diện tích 6.100m2 tại trung tâm quận 1, TP. HCM với tổng vốn đầu tư ước tính 220 triệu USD. Dự án thuộc sở hữu của Tập đoàn Bitexco – một tập đoàn kinh tế uy tín của Việt Nam.

Mặc dù chỉ giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất Việt Nam trong 4 tháng ngắn ngủi và đi vào hoạt động đã gần 15 năm nhưng đến nay, Bitexco vẫn là biểu tượng của TP. HCM.

>> ‘Cô gái hí kịch’ rục rịch tuyển dụng tại Việt Nam, quyết ‘tuyên chiến’ với Starbucks

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật