Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh TP HCM vừa rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long tại NH này với giá trị ghi sổ hơn 31,3 tỉ đồng để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng khu đất diện tích 256 m2 ở quận Bình Thạnh, TP HCM và căn nhà phố gắn liền với đất.
Bán đấu giá từ nhà đất, căn hộ chung cư
Khoản nợ nêu trên được bán đấu giá theo nguyên trạng (gồm tài sản bảo đảm, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn…) với giá khởi điểm chỉ hơn 19,5 tỉ đồng.
Các chi nhánh khác của Agribank như chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Nhà Bè, Nam Sài Gòn, Đông TP HCM… cũng đồng loạt rao bán các khoản nợ với tài sản thế chấp là bất động sản, gồm khu đất trống, đất trồng cây lâu năm, nhà phố, đất ở tại nông thôn…
Với NH Quốc tế (VIB), chỉ tính riêng tài sản là bất động sản đang được rao bán đã lên tới con số hơn 800, gồm: đất ở, nhà phố, căn hộ, đất nền… ở khắp các địa phương trên cả nước. Nhiều lô đất có giá từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng. Điển hình là thửa đất ở phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM có diện tích 536 m2, đang được NH này rao bán với giá khởi điểm gần 60 tỉ đồng.
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang rao bán một số nhà đất ở Cần Thơ, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, TP HCM với mức giá từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng để thu hồi nợ, tổng cộng tới 67 bất động sản. Trong đó, nhiều lô bất động sản nằm ở mặt tiền đường đô thị sầm uất, dân cư đông đúc. Đơn cử, Sacombank rao bán nhà đất ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ với diện tích hơn 1.158 m2, giá khởi điểm 114,1 tỉ đồng.
Một loạt NH khác như PVcomBank, KienlongBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank… cũng liên tục thông báo thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để xử lý, thu hồi nợ vay. Hoạt động phát mại tài sản đang được các NH đẩy mạnh là do thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi ở một số phân khúc, đồng thời để kiểm soát tỉ lệ nợ xấu.
TS Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), cho biết các NH đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp khoảng 1 năm nay, chứ không phải mới đây. Dù thị trường bất động sản chưa phục hồi mạnh nhưng tùy vào tính chất của bất động sản là nhà phố, đất nền, chung cư hay vị trí ở đâu, vẫn có nhà đầu tư ở từng phân khúc tương ứng tham gia.
“Cái khó hiện nay là thị trường có hấp thu được lượng nhà đất, chung cư đang được thanh lý hay không. Nếu các NH muốn nhanh chóng thanh lý, thu hồi nợ mà rao bán tài sản thế chấp với giá thấp thì người đi vay không trả được nợ, phải đem tài sản thế chấp phát mại sẽ chịu thiệt” – TS Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.
Nợ xấu tăng nhanh
Báo cáo cập nhật ngành NH của nhiều công ty chứng khoán vừa công bố cho thấy nợ xấu gia tăng khi chất lượng tài sản của hệ thống NH đã suy yếu đáng kể từ sau khủng hoảng bất động sản và trái phiếu DN năm 2022 – 2023.
Ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích ngành tài chính – Công ty Chứng khoán ACBS, thông tin tỉ lệ nợ xấu của các NH niêm yết duy trì ở mức cao trong 4 quý liên tiếp và tăng 4 điểm % trong quý III/2024, bao gồm cả nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Nhóm các NH chuyên cho vay cá nhân, DN vừa và nhỏ có tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ nợ nhóm 2 cao hơn nhóm chuyên cho vay DN lớn. Đáng chú ý, bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu không còn dày và chỉ ở mức tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19.
Số liệu được NH Nhà nước thông tin tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2024 cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối tháng 9-2024, tỉ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng so với năm 2022. “Đây là một thực tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. DN và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn” – Thống đốc NH Nhà nước giải thích.
Ông Cao Việt Hùng cho rằng dù tỉ lệ nợ xấu tăng trong 2 quý liên tiếp nhưng đang có một số dấu hiệu cho thấy đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025. Nhiều NH đã chủ động trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02. Đối với nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi bão số 3, các NH được giãn tiến độ trích lập dự phòng với mức tối thiểu theo lộ trình trong thời gian tới.
Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho hay trong 3 quý đầu năm 2024, các NH đã xử lý 73.300 tỉ đồng nợ xấu, như: VPBank 19.400 tỉ đồng, VietinBank 17.400 tỉ đồng, BIDV hơn 15.900 tỉ đồng và MBB 7.100 tỉ đồng – chiếm 0,84% tổng dư nợ khách hàng. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận.
“Dù đã tích cực xử lý nhưng tỉ lệ nợ xấu vẫn còn cao, dao động ở mức 2% tại quý III/2024, chủ yếu ở các ngành như vật liệu xây dựng, công ty xây dựng, bất động sản (chủ đầu tư và cho vay mua nhà), thương mại và sản xuất. Khả năng thanh toán nợ vẫn còn yếu, điều này ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của các NH. Tuy nhiên, các NH sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong quý IV/2024, giúp tỉ lệ nợ xấu giảm xuống 1,9% vào cuối năm” – chuyên gia của SSI Research nhận xét.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu – Công ty Chứng khoán VPBankS, nhận định tốc độ hình thành nợ xấu đang giảm, thông qua tốc độ nợ tăng nhóm 2 và 4. Nợ nhóm 2 đã giảm quý thứ 2 liên tiếp, cho thấy xu hướng hình thành nợ xấu chững lại. Tổng nợ xấu toàn ngành đi ngang ở mức 2,2%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu (khoảng 80%) có dấu hiệu chạm đáy nhưng đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay.
Cân nhắc gia hạn Thông tư 02
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết để kiểm soát nợ xấu, NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng, bảo đảm kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Đối với các khoản nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản… NH Nhà nước cũng tạo khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.
Một trong những giải pháp mà ngành NH áp dụng để kiểm soát nợ xấu là gia hạn Thông tư 02 khoảng 6 tháng (tới hết năm 2024), cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng Chính phủ và NH Nhà nước đang ưu tiên hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng kinh tế. Với mục tiêu này, có thể cân nhắc xem xét gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ. Bởi lẽ, nếu thông tư này hết hiệu lực vào ngày 31-12-2024, các NH sẽ phải trích lập dự phòng đầy đủ, “tính đúng, tính đủ” các khoản nợ đã cơ cấu thời gian qua, nguy cơ nợ xấu tăng thêm.