Được mệnh danh là “vua hầm” Việt Nam, hơn một thập kỷ qua, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng hơn 22km hầm đường bộ, 275km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí với tổng mức đầu tư vượt 100.000 tỷ đồng.
Hiện, Tập đoàn đang đề xuất, nghiên cứu loạt dự án trọng điểm như mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng. Những dự án này sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc trên cả nước trước năm 2030.
Tập đoàn Đèo Cả hiện đang nghiên cứu loạt dự án cao tốc trọng điểm với tổng vốn 80.000 tỷ đồng |
Trong buổi chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HoSE – HHV), thành viên Tập đoàn Đèo Cả, đã tiết lộ nhiều định hướng phát triển chiến lược trong thời gian tới. Với quy mô gần 10.000 nhân lực và hơn 1.000 đầu máy thiết bị, Tập đoàn hiện đóng vai trò tổng thầu thi công xây lắp tại 15 dự án cao tốc như Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột…
Năm 2025, Tập đoàn tiếp tục định hướng phát triển tập trung vào hạ tầng giao thông với 3 lĩnh vực mũi nhọn: đầu tư, tổng thầu thi công và quản lý khai thác công trình giao thông. Đèo Cả sẽ tập trung triển khai các dự án đang thi công nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn theo tinh thần “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang chủ động chuẩn bị nguồn lực về con người, kinh nghiệm và thiết bị để tham gia vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (vốn đầu tư 67 tỷ USD), dự kiến triển khai trong năm 2027.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Đèo Cả đã hoàn thành Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thực hành tại tỉnh Lạng Sơn, bao gồm công nhân, lái xe, lái máy và kỹ sư thực chiến. Việc đào tạo một mặt sẽ cung cấp nhân lực tay nghề cao cho 2 dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh, mặt khác sẽ trở thành nguồn nhân lực dự trữ cho các dự án trong thời gian tới.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả còn tổ chức các chương trình học tập tại nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn về đào tạo ngành đường sắt – metro và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Đèo Cả đang hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao từ quốc tế để chuyển giao công nghệ, hấp thụ chuyên gia và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào thực tế.